Giải bài toán khát vốn: Cách nào?

(PLO)- Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiến tạo môi trường thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tận dụng được các cơ hội mới.

Việc thiếu vốn đang ảnh hưởng nặng nề đến phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng (NH) mà còn cần khơi thông nhiều kênh huy động vốn khác.

Doanh nghiệp đang rất cần vốn phục vụ mùa sản xuất, kinh doanh cao điểm cuối năm.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngân hàng Vietcombank vừa được Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng còn lại trong năm nay ở mức 2,7%. Ảnh: THÙY LINH

Nhu cầu cao nhưng cho vay nhỏ giọt

NH Nhà nước (NN) mới đây đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng của cả năm ở mức 14%. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm của doanh nghiệp và người dân đang tăng rất cao. Chính vì vậy, nhiều NH thừa nhận không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn làm ăn của doanh nghiệp.

Lãnh đạo một NH thương mại chia sẻ ngay từ đầu quý II-2022, việc giải ngân đã trở nên khó khăn hơn do cạn room (hạn mức) tín dụng. Mới đây, NHNN đã nới room nhưng việc giải ngân vẫn rất khó khăn do tỉ lệ tín dụng được phân bổ rất ít. Mặt khác, việc nới room tín dụng chỉ giới hạn với một số NH nên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn cấp bách của người dân và doanh nghiệp.

“Thực tế nhiều NH vẫn trong tình trạng hết hạn mức tín dụng, chỉ có thể giải ngân cho vay với một số đối tượng ưu tiên và trên cơ sở thu nợ cũ. Để giải bài toán này, nhiều NH đang chạy đua tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi tiết kiệm, từ đó có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay” - vị lãnh đạo NH nói.

Đại diện NH Vietcombank cũng thông tin đơn vị vừa được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa trong năm nay. Như vậy, trong suốt cả năm NH này đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với cuối năm ngoái. Tuy vậy, sau khi được phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên.

“Chúng tôi đảm bảo tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay đảm bảo ở mức hợp lý” - đại diện NH Vietcombank cho biết.

Cần sửa đổi nhanh Nghị định 153/2020 để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ do thủ tục.

Khơi thông kênh trái phiếu

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng: NHNN cần linh hoạt hơn về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong toàn bộ nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế thì vốn vay tín dụng từ NH đóng góp khoảng 47%, cho nên đừng nghĩ rằng cứ nới room tín dụng lên 15%, 16% hay 17% thì nền kinh tế sẽ lạm phát.

“Vốn tín dụng bung ra mà việc sử dụng vốn không hiệu quả mới đáng lo. Ngược lại, nếu sử dụng vốn hiệu quả thì nới room cũng không kích lạm phát tăng lên” - TS Lực nêu quan điểm.

Theo ông Lực, để phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp, đối với các cơ quan quản lý, cần thống nhất thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tốt hơn, lành mạnh hơn. Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng phát triển cân bằng, kiến tạo môi trường tốt cho thị trường trái phiếu, tài chính phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tận dụng được các cơ hội mới.

“Một dòng vốn quan trọng khác với doanh nghiệp là thuê tài chính. Đây là kênh quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu và dòng tiền còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh” - TS Lực gợi ý.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng nhận định: Ở thời điểm hiện tại xảy ra một vấn đề nghiêm trọng là kênh huy động vốn trung, dài hạn từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần sửa đổi nhanh Nghị định 153/2020 để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ do thủ tục và do lòng tin của nhà đầu tư suy giảm. Song song đó, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhanh chóng đăng ký xếp hạng tín nhiệm. Đây là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng giúp thị trường minh bạch thông tin, góp phần giúp thị trường vốn phát triển bền vững.

“Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đưa ra quyết định tài trợ vốn cho các doanh nghiệp chỉ cần dựa trên hồ sơ pháp lý và bảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Đầu tư tài chính mà không có xếp hạng tín nhiệm thì giống như đi trong sương mù” - TS Nghĩa nói.

Kết hợp giữa vốn nhà nước với tư nhân

Đối với chương trình phát triển nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, ngoài nguồn lực từ ngân sách thì cần kết hợp với nguồn vốn tư nhân. Bởi nếu thỉnh thoảng Nhà nước lại có một gói vài ngàn tỉ đồng cho vay thông qua NH Chính sách xã hội với lãi suất 4,8%/năm thì khó có thể thành công được.

Ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… đã thực hiện thành công chính sách phát triển nhà ở cho người dân bằng quỹ phát triển nhà ở.

TS CẤN VĂN LỰC

Giải quyết nhanh vướng mắc gói 40.000 tỉ đồng

Các doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất với quy mô 40.000 tỉ đồng để có vốn kinh doanh. Thế nhưng, báo cáo từ các NH cho biết sau ba tháng thực hiện gói hỗ trợ, đến nay mới giải ngân được 4.300 tỉ đồng và số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt… 1,02 tỉ đồng. Thậm chí nhiều NH chưa cho vay được đồng nào, không chỉ vì cạn room mà bởi lẽ còn vướng hàng loạt khó khăn chưa thể giải quyết. Vì vậy, doanh nghiệp khát vốn lại càng gặp khó nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc NH TPBank, phản ánh hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NH thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, ông đề nghị Bộ KH&ĐT, các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng được hỗ trợ.

Phó Tổng giám đốc NH Agribank Phạm Toàn Vượng cũng đề xuất để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, như cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất; thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022; ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi...

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho biết đã đề nghị các NH thương mại phải đảm bảo những doanh nghiệp đủ điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2%; chủ động xác định những khó khăn, vướng mắc để giải quyết nhanh... Phía NHNN sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ này, giúp doanh nghiệp có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.•

Ngân hàng chạy đua huy động vốn

Cuộc đua huy động vốn tại các NH đang nóng, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, với mức tăng cao nhất lên đến 1%/năm.

Mới đây nhất, VietCapital Bank tăng lãi suất gửi tiết kiệm theo hình thức online với biên độ tăng 0,1%-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo đó, NH này niêm yết lãi suất cao nhất đối với tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn hai năm lên mức

7,3%/năm, tăng 0,3%/năm so với tháng trước.

Tương tự, NH Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới, với kỳ hạn ba năm có mức cao nhất là 6,5%/năm. Trường hợp nếu khách hàng gửi tiết kiệm đồng thời mua bảo hiểm nhân thọ thì mức lãi suất tăng lên 7,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, NH Sacombank tăng lãi suất thêm 0,1%-0,2% tùy từng kỳ hạn.

Ở nhóm NH quốc doanh, VietinBank cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online đối với các kỳ hạn từ một tháng đến hai năm trên ứng dụng VietinBank iPay. Ví dụ, lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn một năm là 6%-6,1%/năm.

Lãi suất huy động tăng đẩy lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng lên. Lãi suất cho vay hiện nay đang dao động quanh mức 7%-12%/năm tùy đối tượng, kỳ hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới