Giải bài toán khát vốn để doanh nghiệp tăng tốc phát triển

(PLO)- Vừa thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp lại chật vật với bài toán khát vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi đối thoại với Chính phủ mới đây, hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và cả các bộ, ngành đều nêu một vấn đề cấp bách: Các DN đang thiếu vốn trầm trọng để hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì nhiều nhà sản xuất, kinh doanh có nguy cơ phá sản do không có tiền trả lương cho người lao động; không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm dịch COVID-19.

Hiện nay, cơ cấu tín dụng vẫn tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

Hiện nay, cơ cấu tín dụng vẫn tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

Khát vốn trên diện rộng

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (chủ đầu tư hệ thống xe buýt hai tầng), cho biết công ty muốn vay vốn để đầu tư phương tiện mới nhưng nhiều ngân hàng nói là hết room tín dụng hoặc phải vay với lãi suất cao. Đó là chưa kể với điều kiện để được vay quá khó khăn trong khi hai năm qua các DN du lịch tê liệt thì làm sao để chứng minh báo cáo tài chính trong hai năm gần nhất phải làm ăn có lãi.

Bên cạnh đó, muốn được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ thì DN cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện ràng buộc vô cùng khó khăn. Chẳng hạn như DN không có nợ xấu, phải có tài sản bảo đảm, có phương án kinh doanh khả thi… Trong khi đó, sau hai năm kiệt quệ do dịch COVID-19, DN du lịch khó có ai dám vay hàng loạt với số tiền lớn để tạo rủi ro cho chính mình, mà họ sẽ phải cân đong đo đếm, căng não tính toán từng đồng vốn vay sao cho hiệu quả.

“Vốn tài chính của DN giống như mạch máu của cơ thể, nếu mạch máu gián đoạn thì cơ thể nguy cấp liền. Chính vì vậy, đòn bẩy tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các DN, nhất là trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 như hiện nay” - ông Luân nói.

Tương tự, ông Nguyễn Huy, chủ một DN tư nhân chuyên thu mua nông sản ở Bình Phước, cho biết: Để có vốn thu mua nông sản, công ty phải đi vay ngân hàng 600 triệu đồng theo hình thức một năm đáo hạn một lần. Hợp đồng vay của công ty hoàn toàn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngân hàng, đó là có tài sản thế chấp, không có nợ xấu. Thế nhưng chờ đợi gần một tháng nay mà ngân hàng mới chỉ giải ngân được 300 triệu đồng, còn lại một nửa ngân hàng xin “khất”.

Ông nói: “Cần vốn mới phải đi vay nhưng việc chậm trễ giải ngân như thế này khiến chúng tôi đành phải đi vay họ hàng, người thân tạm vài tuần để thanh toán cho nông dân, chứ đợi đến khi ngân hàng giải ngân thì chưa biết đến lúc nào”.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), thông tin: Qua trao đổi với nhiều DN trong hội cho thấy ai cũng than đang khát vốn trầm trọng. Đơn cử mới đây có DN cơ khí mua máy móc, thiết bị với đối tác và đã đặt cọc 30% giá trị, tương đương 7 tỉ đồng. Phía đối tác bàn giao máy móc đúng thời hạn và DN trong nước phải thanh toán. Song DN không được giải ngân do ngân hàng đã cạn room tín dụng.

“Phía đối tác đâu có chấp nhận việc trì hoãn thanh toán vì lý do như vậy. Trong trường hợp này, DN nếu không xoay xở kịp dòng tiền thì chỉ còn cách chịu lãi phạt do chậm trả, chưa kể còn chịu thiệt hại về mặt uy tín với đối tác nữa” - ông Tống nói.

Muôn vàn khó khăn vì thiếu vốn

Với nhiều DN nhỏ thì ngoài vốn tự có, vốn từ bạn bè, người thân…, họ chỉ còn tìm đường đến vốn vay ngân hàng. Trong trường hợp không thể tiếp cận vốn ngân hàng, họ đành vay nóng với lãi suất cao để thanh toán cho đối tác. Còn đối với DN lớn, khi kênh huy động vốn từ ngân hàng khó khăn thì có thể chuyển sang kênh phát hành trái phiếu.

Thế nhưng hiện nay, huy động vốn từ kênh này cũng không hề dễ thở chút nào. Báo cáo thị trường trái phiếu trong tháng 8 do Fiin Group vừa công bố đã chỉ ra thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm mạnh về khối lượng phát hành. Giá trị phát hành trong tháng chỉ đạt 9.400 tỉ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó.

Chi phí vốn tăng, dòng tiền lưu động cạn kiệt cộng với việc phát hành trái phiếu giảm và dài cổ chờ ngân hàng giải ngân khiến nhiều DN rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết: “Vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nếu những DN du lịch không vay được vốn thì vô cùng khó khăn. Bởi hoạt động của DN du lịch trong giai đoạn này khác so với tình hình các năm của giai đoạn trước dịch COVID-19”.

Cụ thể trước đây, các nhà cung cấp dịch vụ cho phép gối đầu công nợ hoặc thanh toán sau 1-3 tháng. Nhưng giờ đây các nhà cung cấp dịch vụ cũng đang trong tình trạng khó khăn về tài chính nên chỉ ưu tiên cho những ai đặt dịch vụ có “tiền tươi thóc thật”. Chính vì vậy, các công ty du lịch luôn phải duy trì một số lượng vốn lưu động khá lớn để ngay khi khách hàng xác nhận đặt tour là phải chuyển tiền thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ luôn.

“Đôi khi chúng tôi còn phải đi vay nóng để có tiền đặt dịch vụ trước. Do đó, DN du lịch lúc này rất cần tiếp cận vốn ưu đãi để bổ sung cho hoạt động kinh doanh, giúp hồi phục được nhanh hơn” - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt nhấn mạnh.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng nêu thực tế: Đối với ngành lương thực, thực phẩm có tới trên 80% DN tăng trưởng tốt nhờ đơn hàng xuất khẩu lẫn nhu cầu thị trường nội địa tăng. Song DN lại đang cạn kiệt nguồn vốn.

Ví dụ, nếu trong giai đoạn trước, vốn lưu động để mua hàng hóa chỉ cần 1 tỉ đồng thì giờ đây do giá nguyên liệu tăng mạnh nên cần tới 1,5 tỉ đồng. Nhưng với việc ngân hàng cạn tiền nên dù những DN đủ điều kiện vay theo gói lãi suất ưu đãi 2% cũng khó mà được giải ngân.

Triển khai ngay gói gỗ trợ lãi suất, khơi thông trái phiếu doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Nguyễn Phước Hưng kiến nghị các ngân hàng cần triển khai cho vay sớm đối với gói lãi suất ưu đãi 2%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, để các chính sách sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, công bằng, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình giám sát các ngân hàng thương mại thực thi đồng bộ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải, cho rằng: Cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đã được Chính phủ ban hành. Nới lỏng điều kiện cho vay đối với các DN (theo hình thức vay tín chấp căn cứ trên dòng thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng) để các DN bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động kinh doanh do hiện tại các tài sản đã thế chấp trong thời gian dịch bệnh.

Đặc biệt, cần kéo dài các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn 6-12 tháng, thay vì chỉ kéo dài 3-6 tháng. Từ đó để hỗ trợ DN tuyển dụng mới, trả lương cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh doanh.

Đại diện nhiều DN khác cũng kiến nghị Nhà nước cần khơi thông lại kênh trái phiếu DN chứ không nên siết quá chặt. Theo đó, các cơ quan quản lý cần thống nhất thúc đẩy thị trường trái phiếu DN tốt hơn, lành mạnh hơn. Hiện nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư vẫn chờ đợi những thay đổi về chính sách để có phương án phù hợp. Các nhà sản xuất, kinh doanh cũng mong được ngân hàng cho vay tín chấp. Bởi chịu tác động của đại dịch suốt hai năm qua, các DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng rất khó.

Bên cạnh đó, theo các DN, mức hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) là quá ít, nên giảm 5%. Đồng thời cần áp dụng giảm thuế thu nhập DN để họ gia tăng mức lương trả cho người lao động.•

Phó Tổng giám đốc Vạn Xuân Group DIỆP ĐÌNH CHUNG:

Xoay xở tìm vốn bằng nhiều cách

Đúng là giai đoạn hiện nay các công ty bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định là không siết vốn tín dụng bất động sản nhưng bây giờ DN và người dân vay vốn đầu tư bất động sản không hề dễ dàng. Điều đó khiến cả khách hàng và hệ thống bán hàng cũng cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, với chủ đầu tư thì dù trong hoàn cảnh nào cũng phải chủ động về phương án tài chính dự phòng. Nếu chỉ trông đợi vào dòng vốn từ ngân hàng hay từ trái phiếu thì sẽ bị chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng đến doanh thu.

Chẳng hạn, đối với Vạn Xuân Group, chúng tôi không phát hành trái phiếu nên khi các ngân hàng vừa cạn room tín dụng, chúng tôi xoay xở bằng nhiều cách. Đơn cử, huy động nguồn lực từ nội bộ, thành viên ban lãnh đạo và có những chính sách phù hợp cho cán bộ, công nhân viên về việc sở hữu bất động sản cho cán bộ, công nhân viên.

Điều này vừa giải quyết được vấn đề về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của công ty, vừa có thêm nguồn tài chính phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra các chính sách huy động vốn từ phía khách hàng đi kèm với các ưu đãi về lãi suất và chiết khấu.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% đến với doanh nghiệp còn chậm

Để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất.

Tại hội nghị về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá kết quả triển khai gói tín dụng này còn chậm do còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại cho thấy doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt gần 4.407 tỉ đồng, với gần 550 khách hàng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt khoảng 4.300 tỉ đồng và dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 đạt khoảng 13,5 tỉ đồng.

Nguyên nhân do nhiều khách hàng lo lắng số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được nhiều nhưng đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này sẽ gặp nhiều khó khăn nên không mặn mà. Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên ngân hàng, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ theo quy định, gói hỗ trợ chỉ hướng đến các đối tượng có khả năng phục hồi, song các cơ quan, bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó thực hiện. Hơn nữa với DN có hoạt động kinh doanh đa ngành, rất khó tách bạch được chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào.

Để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất; các cơ quan nhà nước thống nhất hướng dẫn cụ thể các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó là ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi, mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ; cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất; nên hỗ trợ lãi suất cả về đồng ngoại tệ cho những DN xuất khẩu, bởi có những DN xuất khẩu thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay ngoại tệ.

KHÁNH MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm