Giải bài toán thiếu nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM

(PLO)- Theo lãnh đạo quận 1, hiện trên địa bàn quận không còn nhà vệ sinh công cộng trên vỉa hè các tuyến đường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào đầu tháng 2, chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho thấy thông tin chất lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 TP du lịch trên thế giới. Ngoài vấn đề chất lượng thì tình trạng thiếu NVSCC ở TP.HCM vẫn là một trong những vấn đề nan giải suốt thời gian qua.

Thiếu quỹ đất làm NVSCC

Lãnh đạo UBND quận 1, TP.HCM thông tin trên địa bàn quận 1 hiện có 3/9 công viên do UBND quận quản lý có bố trí NVSCC và 4/11 công viên do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM quản lý có bố trí nhà NVSCC. Bên cạnh đó, 4/4 chợ truyền thống có NVSCC do Công ty Dịch vụ công ích quản lý. Địa bàn quận 1 hiện không còn NVSCC trên vỉa hè các tuyến đường.

Đánh giá những khó khăn trong thời gian qua, vị lãnh đạo này cho hay qua ghi nhận tại các NVSCC thì ý thức của người dân chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng. Một số NVSCC phục vụ miễn phí còn có tình trạng người dân tận dụng tắm, giặt, lấy cắp vật dụng trong nvs.

Theo vị này, hiện nay quy định hiện hành chưa cho phép lắp đặt NVSCC trên vỉa hè. Do đó, cần có sự chấp thuận của UBND TP.HCM khi triển khai thực hiện đầu tư NVSCC trên vỉa hè. Ngoài ra, qua đề xuất xã hội hóa NVSCC trước đây của các doanh nghiệp thì không hài hòa giữa vị trí của nhà đầu tư và vị trí nhu cầu của người dân, tỉ lệ diện tích phục vụ vệ sinh công cộng so với diện tích dịch vụ khác (kinh doanh thu hồi vốn) là khá thấp. Trung tâm quận 1 hiện nay là đô thị hiện hữu, do đó quỹ đất rất hiếm, đặc biệt là đất sử dụng cho dịch vụ công cộng.

Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết trong tổng số 10 NVSCC trên địa bàn quận thì có hai NVSCC thường xuyên đóng cửa. Tám NVSCC do Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP quản lý còn hoạt động nhưng không hiệu quả.

Theo đó, quận Tân Phú đề xuất chỉ nên bố trí NVSCC tại các khu vực hoặc tuyến đường có đông khách du lịch để phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, nếu đã bố trí NVSCC thì cần có cơ chế giao trách nhiệm rõ ràng để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng. Cụ thể, phải có người quản lý, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, kịp thời thay thế trang thiết bị hư hỏng…

Nhà vệ sinh công cộng ở Công viên Tao Đàn quận 1. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhà vệ sinh công cộng ở Công viên Tao Đàn quận 1. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Một nhà vệ sinh công cộng ở quận Tân Phú đóng cửa hơn một năm nay. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Một nhà vệ sinh công cộng ở quận Tân Phú đóng cửa hơn một năm nay. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đề xuất có bản đồ số đánh giá chất lượng NVSCC

Về giải pháp để phát triển NVSCC trên địa bàn, lãnh đạo UBND quận 1 đề xuất TP giao UBND quận 1 rà soát các khu đất trống trên địa bàn quận hiện nay chưa thực hiện dự án và các vỉa hè có kích thước rộng, thuận lợi và đủ điều kiện để bố trí NVSCC.

Đồng thời, giao UBND quận tham mưu các phương án sử dụng nguồn lực từ xã hội hóa và ngân sách để đầu tư, phát triển hệ thống NVSCC trên địa bàn quận 1 phục vụ người dân và khách du lịch.

cạnh đó, quận đề xuất giao UBND quận 1 tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy có văn bản chỉ đạo UBND quận 1, MTTQ Việt Nam quận 1, các tổ chức đoàn thể, Phòng VH&TT, Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế và UBND 10 phường tiếp tục phát động phong trào vận động doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hỗ trợ người dân và du khách được sử dụng NVS. Tổ chức thực hiện đánh giá, chấm điểm NVS đối với các nhà hàng, quán ăn và khách sạn trên địa bàn quận 1 với tiêu chí NVS sạch, xây dựng bản đồ số đánh giá chất lượng NVSCC trên địa bàn.

Đưa nhà vệ sinh vào các trung tâm thương mại

Góp ý cho giải pháp NVSCC, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tours, cho rằng làm NVSCC trước hết phục vụ cho nhu cầu của người dân tại chỗ, mặc dù du khách không đến thì người dân cũng phải được thụ hưởng.

Câu chuyện làm NVS không phải muốn làm là làm được ngay, quan trọng nhất là vị trí. NVSCC phải có thiết kế, làm sao không mất mỹ quan đô thị, làm sao giữ được vệ sinh. Những TP lớn, hiện đại đều phải có quy hoạch NVSCC. Ngoài ra, TP cũng nên kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác. Chẳng hạn, các cây xăng của Nhà nước ở trung tâm TP cần khuyến khích xây dựng NVS một cách sạch đẹp và cho phép người dân, du khách sử dụng, thu tiền cũng được” - ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, một trong những lý do du khách đến Nhật Bản nhiều là do hệ thống NVS của họ. Nhật Bản có hiệp hội NVS toàn quốc. Hằng năm họ có các cuộc thi thiết kế, trao giải cho các thiết kế NVS thân thiện, ấn tượng. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Nhật Bản vì họ chăm chút những chuyện rất nhỏ, tất cả NVS của họ đều có móc treo đồ phục vụ du khách.

Ông Mỹ đánh giá: “Đi tour không biết chỗ nào có NVS, không biết “xả” chỗ nào thì tâm trí đâu mà thưởng ngoạn cảnh đẹp và trải nghiệm thú vị trong hành trình tour. Tôi đánh giá đây là nhu cầu được ưu tiên hàng đầu trong du lịch. Chúng ta nên bắt tay làm sớm hơn”.

Kiến trúc sư Trương Trung Trực cũng đánh giá việc quy hoạch NVSCC ở những điểm du lịch, công viên... là cần thiết. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt nhu cầu cho người dân cũng như giảm tải cho việc xây dựng tràn lan, gây lãng phí thì nên tính đến giải pháp khuyến khích các cửa hàng tiện ích, siêu thị xây dựng NVS và cho phép người dân được sử dụng.

“Về phía các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nếu tính về khía cạnh kinh tế, tôi thấy việc xây NVS cũng có thể giúp chúng ta bán được hàng. Đơn giản ít người nào vào cửa hàng đi vệ sinh mà đi “tay không” không mua hàng” - ông Trực nói.•

Không bàn nữa mà phải làm ngay

Hiện TP.HCM thiếu rất nhiều NVSCC. NVS là vấn đề tối thiểu phải có để phục vụ con người, đặc biệt là một TP hiện đại, phát triển du lịch như TP.HCM.

Ngay từ bây giờ TP phải đưa quy hoạch NVSCC vào nhiệm vụ, “không cần bàn nên làm hay không nữa, mà phải làm cho bằng được”. Ví dụ, khi quy hoạch công viên thì cần phải tính toán bao nhiêu NVSvà hiện chỗ nào đang thiếu và phải bổ sung ngay. Mặt khác, TP cũng cần tính toán vấn đề quản trị ở khu vực nhà vệ sinh. Khu vực đó được nâng cấp ra sao, kế hoạch dọn dẹp hằng ngày và nếu làm tốt sẽ thu hút người dân và tránh tình trạng “đi bậy” như hiện nay.

Để có nhiều NVS, đầu tiên cần ưu tiên khu đất công, vỉa hè và đưa nó thành một chuyên đề mở rộng để phục vụ dân sinh. Tiếp theo, trường hợp không có ngân sách cần xã hội hóa, được thu với giá tiền bao nhiêu, hoạt động kinh doanh bao nhiêu năm. TP cần tính toán mạng lưới NVS, khoảng cách bao nhiêu là tiện lợi. Nếu được, các vị trí trạm xe buýt đó cần tính toán để xây dựng các trạm, NVS để phục vụ và cũng là phương án để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Trường hợp có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong việc xây dựng NVS ở các khu vực khác thì cần sửa đổi hoặc xây dựng một đề án để triển khai đồng bộ, hiệu quả. NVS phục vụ cho người đi xe máy, đi bộ hay công viên… thì cần tính toán cho từng tệp khách hàng và cũng cần tính đến chuyện giữ xe máy cho người dân.

Ông NGUYỄN KIM TOẢN, Tổng giám đốc Công ty TNHH MVT Thường Nhật, đơn vị phát triển du lịch đường thủy ở TP.HCM

Cần quy hoạch cụ thể

Để NVSCC đáp ứng được nhu cầu của người dân TP cần có quy hoạch cụ thể, tính toán NVS bắt buộc phải nằm ở đâu, không nên xây dựng theo kiểu “chắp vá”, điều này sẽ gây nơi thừa, nơi thiếu. Khi quy hoạch sẽ dựa vào nhu cầu thực tế ở khu nào đó thật sự cần thiết. Ngoài quy hoạch, nhà quản lý cần có mô hình nhà quản trị cho NVS để ngăn chặn tình trạng có NVS nhưng không đảm bảo việc lau dọn sạch sẽ gây mất vệ sinh.

Kiến trúc sư HUỲNH BẢO TOÀN, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Zentado (đơn vị cung cấp nhà di động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm