CẢNH SÁT COSTA RICA BỐ RÁP HAI THUYỀN ĐÁNH CÁ:

Giải cứu 15 “nô lệ” người Việt

Giải cứu 15 “nô lệ” người Việt ảnh 1

Một số lao động châu Á (bên trái) khi được giải thoát - Ảnh: La Nacio

Nhật báo địa phương La Nacio cho biết trong số 36 người lao động châu Á được giải phóng có 15 người Việt, 13 người Indonesia, năm người Philippines, hai người Đài Loan và một người Trung Quốc đại lục.

Tất cả đều rất gầy gò, ốm yếu, nhiều người gần như kiệt sức hoàn toàn. Họ hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở Puntarenas và có thể sẽ được nhà chức trách Costa Rica đưa về nước trong vài tuần tới.

Ông Jorge Rojas Vargas, giám đốc Cơ quan điều tra tư pháp Costa Rica (OIJ), cho biết 36 người lao động châu Á này bị một công ty ngư nghiệp ở Puntarenas dụ dỗ sang làm việc ở Costa Rica với mức lương 250 USD/tháng.

Tuy nhiên, kể từ khi họ đặt chân xuống sân bay Juan Santamaría ở San Jose, thủ đô Costa Rica, công ty này đã lập tức tịch thu hộ chiếu để ngăn họ bỏ trốn rồi tống họ lên xe đưa đến Puntarenas. Từ đây họ bị đưa lên làm việc trên hai thuyền đánh cá. Hai chiếc thuyền này không có đăng ký hợp pháp ở Costa Rica.

Như lời ông Vargas mô tả, các lao động châu Á này bị buộc phải làm việc 20 giờ mỗi ngày và thường xuyên bị chủ lao động chửi mắng, đánh đập dã man bằng roi da. Mỗi ngày, họ chỉ được phát một chút thức ăn nên luôn bị đói, khi đêm đến họ phải chen chúc nhau trong hai căn phòng cực kỳ chật hẹp trên thuyền đánh cá.

Mỗi khi thuyền cập cảng Puntarenas, họ lại bị đưa đến lao động tại các công trường xây dựng. Tất cả đều không được nhận một đồng lương nào.

“Họ phải sống trong cảnh cực kỳ chật chội, thiếu vệ sinh - ông Vargas cho biết - Đó là điều kiện làm việc phi nhân tính”. Còn giám đốc Cơ quan nhập cư Costa Rica Mario Zamora kết luận: “Đó là nạn nô lệ thời hiện đại”.

Các nhân viên điều tra tại OIJ tiết lộ bốn tháng trước một nhóm chín lao động Việt Nam đã nhảy xuống biển bỏ trốn. Họ bơi vào bờ và lẩn trốn tại Puntarenas. Suốt hai tháng, họ sống lây lất qua ngày bằng những công việc lao động chân tay hoặc nấu bếp ở thành phố.

Cuối cùng họ quyết định tố cáo vụ việc cho chính quyền sở tại.

Sau hai tháng điều tra, đến ngày 11-4, lực lượng cảnh sát nhập cư và các điệp viên OIJ quyết định bố ráp hai chiếc thuyền đánh cá cùng hai căn nhà của công ty ngư nghiệp này ở khu El Carmen de Puntarenas tại thành phố.

OIJ cho biết một số người lao động châu Á được giải thoát đã phải làm “nô lệ lao động” ít nhất hai năm.

Cảnh sát đã bắt giữ chủ công ty, một người gốc Đài Loan có họ là Tseng, và thuyền trưởng của hai tàu đánh cá nơi những người lao động châu Á đang bị giam giữ. Một thuyền trưởng gốc Đài Loan có họ là Chung, một là người Costa Rica có họ Evans.

Các nghi can khai “đã gửi tiền lương của người lao động cho gia đình họ”.

Hiện cảnh sát Costa Rica vẫn chưa công bố tên công ty này.

Nhà chức trách Costa Rica xác định đây là một vụ buôn người. Do đó cả ba nghi can bị truy tố về tội danh buôn người và sẽ phải đối mặt với án tù 8-16 năm.

Theo HIẾU TRUNG (TTO, La Nacio)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm