“Tổ công tác liên ngành đã kết thúc phần khảo sát, đang lấy ý kiến thêm về một số mức vay, thời hạn vay để trình UBND TP.HCM ban hành quy định chung về mức hỗ trợ thiệt hại đối với hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm” - ngày 6-10, nguồn tin từ tổ công tác liên ngành về khắc phục hậu quả bởi các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật (do Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì) cho hay.
Đây là thực trạng đã được Pháp Luật TP.HCM đề cập trong loạt bài “Nỗi khổ hậu nâng đường chống ngập”.
Dân không có tiền sửa nhà
Theo khảo sát của tổ công tác liên ngành, hiện trên toàn TP có gần 8.000 căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm. Trong đó, nhiều nhất là quận 8 có 7.135 căn nhà có nền thấp hơn mặt đường 0,4-1 m. Chỉ tính tuyến đường Phạm Thế Hiển, sau khi nâng cấp vào năm 2014 đã có 4.200 căn nhà thấp hơn mặt đường đến 1 m.
Trên địa bàn quận 6 cũng có 36 tuyến đường và cụm hẻm bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm. Dù người dân một số khu vực đã được hỗ trợ vay tiền nâng nền nhà nhưng hiện tại quận 6 vẫn còn tới 609 căn nhà thấp hơn mặt đường 0,5-1 m. Tại quận Bình Thạnh, dự án nâng cấp mở rộng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng mới) làm khoảng 57 hộ dân bị ảnh hưởng, hệ thống thoát nước không hoạt động được, bị ngập thường xuyên.
Nhiều nhà dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường đang trông chờ TP hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để sửa chữa. Ảnh: V.HOA
Dự án mở rộng nâng cấp đường Phạm Văn Đồng cũng làm cho 51 căn nhà dọc tuyến đường này trên địa bàn quận Thủ Đức bị thấp trũng, nghiêng, nứt. Công trình nâng cấp đường Tam Bình (phường Hiệp Bình Chánh và phường Tam Bình, quận Thủ Đức) khiến 33 căn nhà khác thấp hơn mặt đường 1-1,7 m.
Sở Xây dựng TP cho biết dù cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhiều nơi bị ảnh hưởng rất lớn bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm nhưng rất nhiều người không có khả năng tự sửa chữa, nâng cấp nhà. “Riêng tại quận 6, trước đây những hộ dân bị ảnh hưởng được vay tiền từ quỹ quay vòng vốn của dự án nâng cấp đô thị để sửa chữa nhà. Nhưng do dự án đã kết thúc từ năm 2013 nên nguồn tiền để dân vay sửa nhà cũng không còn” - một cán bộ trong tổ công tác liên ngành cho biết thêm.
Có thể được vay 300 triệu đồng
Theo tổ công tác liên ngành, những hạn chế do dự án nâng đường, nâng hẻm gây ra cần được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Tổ công tác đề xuất hai hình thức bồi thường, hỗ trợ: Đối với trường hợp có tài sản thế chấp, chương trình vay vốn tạo lập nhà cho người có thu nhập thấp của quỹ phát triển nhà ở của TP có thể bổ sung chính sách hỗ trợ cho những người có nhà bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường. Trường hợp này có thể vay tối đa đến 300 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà (thời hạn vay 15 năm). Đối với những trường hợp không có tài sản thế chấp, TP hỗ trợ mức vay 30 triệu đồng với lãi suất 3%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP để người dân sửa nhà.
Ngoài ra, tổ công tác liên ngành còn đề xuất chính sách bồi thường thiệt hại khi thực hiện các dự án tương tự trong tương lai. Cụ thể, khi xây dựng đường, hẻm có cao độ thiết kế cao hơn hiện trạng nhà dân, gây ra thiệt hại thì chủ đầu tư dự án phải chuẩn bị trước nguồn kinh phí để bồi thường thiệt hại cho người dân. Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, chủ đầu tư phải tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, lấy ý kiến cộng đồng, thông báo về cơ chế bồi thường, mức hỗ trợ…
Xây gờ chắn nước Về thực trạng sau khi đường và hẻm nâng cao làm nước mưa chảy tràn vào nhà, tổ công tác liên ngành cho biết sẽ đề xuất UBND TP giao cho Sở GTVT TP chủ trì phối hợp với Trung tâm Chống ngập TP cùng các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục. Đối với những trường hợp nhà thấp hơn mặt đường không đáng kể, có thể áp dụng hướng giải quyết là giao cho chủ đầu tư xây gờ chắn nước cho từng nhà. |