Giải đáp những băn khoăn quanh chuyện G7 áp giá trần dầu Nga

(PLO)- Liệu kế hoạch của G7 có khó thực thi và sẽ phá sản? Áp giá trần dầu Nga có khiến giá xăng dầu tăng? Liệu Nga có ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần như đã cảnh báo?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tháng 9, nhóm G7, gồm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã quyết định đặt giới hạn giá dầu Nga (áp giá trần). Tuy nhiên, quyết định táo bạo này lại vấp phải những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và giới truyền thông.

Trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng kế hoạch này sẽ không bao giờ thành sự thật thì chuyên san Foreign Policy cho rằng những người này đã sai.

Dựa vào các cuộc phỏng vấn với các quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, nội các Anh, các nhà lãnh đạo trong G7 và các giám đốc điều hành kinh doanh hàng đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, Foreign Policy khẳng định các nhà phê bình đã vội vàng đánh giá tiêu cực về việc áp trần giá dầu Nga.

Theo Foreign Policy, việc áp giá trần dầu Nga là một cách để giữ cho dầu của Nga chảy vào thị trường toàn cầu và duy trì sự ổn định kinh tế, vốn là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ G7. Bên cạnh đó, việc áp giá trần này cũng hạn chế tỉ suất lợi nhuận của Nga trên mỗi thùng bán ra.

Foreign Policy đưa ra những câu trả lời cho những vấn đề mà cộng đồng quan tâm về việc áp giá trần lên dầu Nga.

Kế hoạch G7 có phá sản không khi có những nước không tham gia?

Các nhà phê bình cho rằng Ấn Độ, Trung Quốc (TQ), Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác sẽ không bao giờ ủng hộ áp trần giá dầu Nga và do đó kế hoạch áp giá trần sẽ không có hiệu quả trên phạm vi toàn cầu.

Dù đúng là nhiều quốc gia có thể sẽ không áp giá trần lên dầu Nga nhưng điều này không khiến kế hoạch của G7 không hoạt động.

Cảng dầu Kozmino ở vịnh Nakhodka, gần TP Nakhodka, Nga. Ảnh: REUTERS

Cảng dầu Kozmino ở vịnh Nakhodka, gần TP Nakhodka, Nga. Ảnh: REUTERS

Theo Foreign Policy, các nhà phê bình này bỏ qua thực tế rằng mục tiêu của các quốc gia không tham gia áp giá trần dầu Nga là mua được dầu với giá thấp nhất, đồng thời, việc các nước khác đặt ra mức giá trần lên dầu Nga sẽ cho các nước này lợi thế trong các cuộc đàm phán mua dầu Nga.

Hiện tại, Ấn Độ, TQ và nhiều nước đang phát triển khác đang mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao, lên tới 30 USD/thùng. Nga cũng đang muốn thu hút các bên mua dầu nên Moscow đang đưa ra các hợp đồng dài hạn có giá cố định với mức chiết khấu khủng để cố gắng có được một số nguồn thu trong tương lai.

Tuy nhiên, một bộ trưởng kinh tế châu Á bí mật chia sẻ với Foreign Policy rằng việc G7 áp trừng phạt lên Nga sẽ giúp ông có một con bài mặc cả để đạt được thỏa thuận có lợi cho mình nhiều hơn so với lời đề nghị ban đầu của Nga là mức chiết khấu 30 USD/ thùng, đặc biệt là khi bảo hiểm, vận chuyển dầu Nga sẽ bị hạn chế theo kế hoạch của G7. Điều này cũng sẽ ép Nga phải gánh các chi phí bảo hiểm, vận chuyển... do đó làm giảm lợi nhuận mà Nga thu được từ dầu.

Riêng đối với TQ, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Hormats đã chỉ ra rằng Bắc Kinh có một chính sách lâu dài là đa dạng hóa các nguồn năng lượng, do đó TQ sẽ không phụ thuộc vào dầu Nga hoàn toàn mà sẽ giới hạn nhập dầu từ Nga.

Cơ chế giới hạn giá dầu sẽ khó thực thi?

Các nhà phê bình chú ý đến những thách thức trong việc thực thi, rào cản hậu cần và việc tìm cách lách trừng phạt mà bỏ qua điều quan trọng là: ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu là tuân thủ các chính sách của Mỹ, đặc biệt là các lệnh trừng phạt.

Tàu chở dầu ở vịnh Nakhodka, Nga vào ngày 12-8-2022. Ảnh: REUTERS

Tàu chở dầu ở vịnh Nakhodka, Nga vào ngày 12-8-2022. Ảnh: REUTERS

Trước đây, sự hoài nghi về việc các doanh nghiệp sẽ tìm cách lách trừng phạt đã xuất hiện khi Mỹ đưa ra chính sách trừng phạt chống tài trợ khủng bố và các sáng kiến rửa tiền sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào 11-9-2001. Tuy nhiên, hiện tại thì các tổ chức tài chính lớn đều có các kỹ năng và cơ sở hạ tầng để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Lý do là nếu bị trừng phạt, doanh nghiệp sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn nhiều so với lợi nhuận kiếm được khi tránh trừng phạt.

Tương tự, sau kế hoạch của G7 thì khu vực tư nhân sẽ tìm cách thích ứng nhằm tuân thủ các chính sách mới, đặc biệt là khi các giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn nói rằng họ thích áp giá trần hơn là một lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga

Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp lách luật. Ví dụ như các công ty tư nhân nhỏ lẻ liên quan đến tài chính, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa, có trụ sở tại Nga hoặc các quốc gia không tham gia áp giá trần có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu của Nga nhưng với mức giá cao hơn. Các nhà máy lọc dầu trung lập cũng sẽ tiếp tục chế biến dầu thô của Nga và bán các sản phẩm tinh chế vào thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đa quốc gia sẽ không sẵn sàng tài trợ, mua bán, vận chuyển và bảo hiểm dầu của Nga. Ví dụ, 90% các công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU) hoặc Anh và sẽ sớm”tẩy chay” Nga. Dầu xuất khẩu của Nga sẽ phải đối mặt với những trở ngại về hậu cần và sự chậm trễ kéo dài khi các cảng, đường vận chuyển và tàu chở dầu bị cấm.

Dầu của Nga từng được vận chuyển từ các cảng Baltic và Biển Đen đến châu Âu đã được chuyển hướng đến châu Á, mà để đến được châu Á thì phải mất thêm khoảng 30 ngày nữa mới đến nơi. Tất cả những trở ngại này sẽ khiến lợi nhuận bán dầu của Nga bị hao hụt nghiêm trọng.

Liệu trừng phạt Nga có khiến giá dầu và xăng tăng vọt?

Foreign Policy khẳng định không có chuyện giá xăng dầu sẽ tăng vọt, thậm chí giới hạn giá dầu được quy định rõ ràng để ngăn giá dầu tăng - vấn đề có thể sẽ phát sinh từ lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 5-12.

Nhà máy lọc dầu ở TP Omsk, Nga ngày 6-6-2022. Ảnh: REUTERS

Nhà máy lọc dầu ở TP Omsk, Nga ngày 6-6-2022. Ảnh: REUTERS

Trên thực tế, các thị trường dầu đã có dấu hiệu ổn định giá và thậm chí giá thấp. Trong tương lai, thị trường sẽ có xu hướng định giá giá dầu thấp hơn đáng kể so với hiện nay. Nói cách khác, thị trường tài chính hầu như không hoảng loạn và thậm chí vui vẻ chấp nhận giới hạn giá dầu, theo Foreign Policy.

Có một sự ngộ nhận rằng để bù lỗ thì Nga sẽ tăng cường khai thác dầu. Tuy nhiên, những người có suy nghĩ này phớt lờ thực tế rằng Nga là một trong những nhà sản xuất dầu kém hiệu quả nhất thế giới, với một trong những mức giá hòa vốn toàn chi phí, hiểu nôm na là chi phí sản xuất, cao nhất trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Ví dụ, giá hòa vốn của Nga gần gấp đôi Saudi Arabia.

Như vậy, Nga sẽ không thể bù đắp khoản lỗ bằng cách khai thác nhiều hơn, đặc biệt là khi dầu Nga được chiết khấu xuống mức thấp hơn giá hòa vốn trong khi Nga phải trả chi phí cao hơn cho các chuyến vận chuyển biển dài hơn.

Liệu Nga có ngừng bán dầu như đã đe dọa?

Mặc dù Điện Kremlin đã từng tuyên bố rằng Nga sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia áp giá trần dầu Nga nhưng cần phải để ý rằng xuất khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa tổng ngân sách chính phủ Nga trong hầu hết các năm.

Với nguồn thu từ khí đốt tự nhiên của Nga giảm đáng kể, chính quyền Moscow dù muốn cũng không thể đóng cửa các mỏ dầu trong bối cảnh kinh tế đang lao đao vì chi phí phải dành cho chiến tranh ngày càng cao.

Hơn nữa, các nước phương Tây mua dầu Nga sẽ khó mà chịu thiệt. Thị trường dầu mỏ chưa bao giờ thực sự mang tính toàn cầu và luôn có sự khác biệt về số tiền mà các quốc gia chi cho các loại dầu khác nhau từ các nguồn khác nhau. Dù có một số nước sẵn sàng trả một vài USD cao hơn giá trần để mua dầu Nga nhưng điều này đó sẽ không phá hỏng kế hoạch của G7.

Cựu Đặc phái viên Mỹ về Năng lượng Á- Âu Richard Morningstar nhận định với Foreign Policy: “Lúc đầu, tôi hoài nghi về việc áp giá trần nhưng lúc này, tôi thấy rằng thực sự kế hoạch của G7 không có điểm yếu nào cả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm