Trong hai ngày đầu tuần này, Iran tấn công các nước láng giềng, nã tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào một số mục tiêu ở Iraq, Syria và Pakistan. Theo Iran, các cuộc tấn công nhắm vào thủ phạm và người ủng hộ các vụ tấn công khủng bố ở Iran khiến hàng chục người thiệt mạng trong tháng qua.
Cụ thể, đòn tấn công ở Syria nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); vụ ở Pakistan có mục tiêu là nhóm khủng bố Jaish al-Adl và cuộc tấn công ở Iraq nhằm vào nơi mà Tehran cho là căn cứ thu thập thông tin tình báo của Israel.
Vậy động thái Iran tấn công các nước láng giềng là một sự thể hiện vũ lực có tính toán để răn đe đối thủ hay là một hành động liều lĩnh gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích của chính nước này?
Đòn cảnh cáo và quảng cáo tên lửa của Iran
Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm rằng việc Iran tấn công các nước láng giềng, trực tiếp bắn hàng loạt tên lửa vào đối thủ một phần là để cảnh cáo, trừng phạt và một phần là chiêu thức quảng cáo độ tinh vi và tầm bắn của tên lửa nước này.
Trong các cuộc tấn công, Iran dường như đã sử dụng ít nhất một trong những tên lửa tầm xa nhất và tiên tiến nhất của mình - tên lửa Kheibar Shekan. Việc chọn tên lửa xịn nhất trong khi có thể dùng một tên lửa kém tinh vi hơn nhưng có hiệu quả tương tự chứng tỏ Iran dường như quan tâm việc thể hiện sức mạnh với phương Tây hơn là trả đũa một nhóm khủng bố, theo tờ The New York Times.
Ra mắt vào năm 2022, tên lửa đạn đạo Kheibar Shekan là tên lửa dẫn đường nhiên liệu rắn có tầm bắn 1.450 km, nghĩa là nó có thể vươn tới Israel. Một điểm nổi bật của tên lửa này là đầu đạn của Kheibar Shekan có tính cơ động để tránh một số hệ thống phòng không truyền thống.
Ông Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa, UAV và Trung Đông tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London (Anh), nói rằng việc tên lửa Kheibar Shekan được sử dụng trong trường hợp này là rất đáng quan tâm. Ông nói: “Có một câu hỏi đặt ra là liệu Iran muốn thử một trong những tên lửa tiên tiến nhất của mình trong điều kiện chiến đấu hay là gửi thông điệp tới Israel, hay là cả hai”.
Các cuộc tấn công vừa là một minh chứng về những tiến bộ công nghệ của Iran vừa là một lời nhắc nhở rằng nước này là một cường quốc khu vực và sẵn sàng nhắm mục tiêu vào các đối tượng chống lại nước này nếu cần. Ông Joel Rayburn, cựu đặc phái viên của Mỹ tại Syria, cho rằng “đó là thông điệp gửi tới Mỹ và Israel”, thể hiện sự “sẵn sàng tham chiến trực tiếp của Iran thay vì ủy nhiệm” cho các lực lượng vũ trang được nước này hậu thuẫn trong khu vực.
Iran có những toan tính riêng khi quyết định tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ các nước láng giềng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công này dường như cũng mang lại những “tác dụng phụ” ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín và quan hệ của Iran với các nước.
Lợi bất cập hại cho Iran
Nhận định việc Iran tấn công các nước láng giềng, chuyên san Foreign Policy cho rằng Iran đã chọn cách phô trương sức mạnh và đang có dấu hiệu phản tác dụng. Với việc tấn công vào lãnh thổ quốc gia khác, Iran đã vi phạm chủ quyền của các nước này và khiến họ phản ứng gắt, đặc biệt là Iraq và Pakistan - những nước đang cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Iran và Mỹ. Điều này sẽ đe dọa hình ảnh về sức mạnh và sự ổn định của Iran, đồng thời có khả năng châm ngòi cho xung đột lan rộng ở khu vực.
Đáp lại cuộc tấn công của Iran, Iraq đã đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về “hành vi gây hấn, được coi là vi phạm trắng trợn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của người dân Iraq” - như từ ngữ mà Bộ Ngoại giao Iraq viết trong đơn. Còn Pakistan phản ứng cứng rắn hơn, khi ban đầu chỉ đình chỉ liên lạc cấp cao với Iran nhưng một ngày sau đó đã phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV lớn chưa từng có vào lãnh thổ Iran nhằm vào các lực lượng khủng bố. Cuộc tấn công này khiến 10 người thiệt mạng và Iran đã cực lực phản đối cuộc tấn công “không cân bằng và không thể chấp nhận được” này.
Trong khi mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza thì các cuộc tấn công của Iran đã kéo sự chú ý của thế giới về phía mình và có thể khiến nước này chịu nhiều sự giám sát và áp lực hơn. Cạnh đó, các cuộc tấn công còn có thể làm xói mòn quan hệ giữa Iran và các nước láng giềng bởi chúng cho thấy Iran có thể ưu tiên chiến lược an ninh quốc gia cứng rắn hơn thay vì củng cố quan hệ ngoại giao với các quốc gia thân thiện với mình, theo Foreign Policy.
Điều này thể hiện trong phát biểu hôm 17-4 của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani sau cuộc tấn công, trong đó đề cao sức mạnh và chiến lược cứng rắn của Iran. Ông khẳng định: “Chúng tôi là một cường quốc tên lửa trên thế giới. Bất cứ nơi nào họ muốn đe dọa Iran, chúng tôi sẽ phản ứng và phản ứng này chắc chắn sẽ tương xứng, cứng rắn và quyết liệt”.•
Các nước phản ứng với căng thẳng Iran - Pakistan
Sau khi Pakistan trả đũa các cuộc tấn công của Iran trong lãnh thổ của mình, nhiều nước, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc đã kêu gọi hai bên hết sức kiềm chế.
Nga lấy làm tiếc khi mâu thuẫn xảy ra giữa hai thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga là một trong những quốc gia sáng lập. Moscow kêu gọi hai nước giải quyết khác biệt bằng ngoại giao, đồng thời nói rằng bất kỳ hoạt động chống khủng bố nào trên lãnh thổ của quốc gia khác đều phải được thực hiện với sự đồng ý và phối hợp với chính quyền nước đó.
Mỹ cho biết đang theo dõi sát sao tình hình, liên lạc với các quan chức Pakistan và không muốn chứng kiến sự leo thang khi hai nước đều trang bị vũ trang tốt. Còn Trung Quốc hy vọng hai bên bình tĩnh, tránh leo thang căng thẳng, đồng thời đề xuất làm trung gian hòa giải để hạ nhiệt tình hình “nếu hai bên mong muốn”.