Lý giải căng thẳng Iran-Pakistan

(PLO)- Trong khi Trung Đông đang chìm trong khói lửa của xung đột Israel-Hamas thì biên giới Iran-Pakistan lại nóng lên với loạt vụ tấn công qua lại. Nguồn gốc căng thẳng Iran-Pakistan là gì và liệu căng thẳng này có leo thang thành xung đột?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-1, Pakistan đã nã tên lửa vào bên trong lãnh thổ Iran với lý do tiêu diệt khủng bố, làm 9 người ở tỉnh Sistan-o-Baluchistan (tây nam Iran) thiệt mạng. Động thái của Islamabad diễn ra chưa đầy hai ngày sau cuộc tấn công tên lửa của Tehran vào “các mục tiêu khủng bố” ở Pakistan.

Những căng thẳng xuyên biên giới hai nước không phải là điều mới mẻ, nhưng vụ việc gần đây được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt, căng thẳng Iran-Pakistan càng gây lo ngại khi nó xảy ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang oằn mình vì cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Nguồn gốc căng thẳng Iran-Pakistan

Theo tờ The Hill, kể từ khi các giáo sĩ Hồi giáo lên nắm quyền ở Iran vào năm 1979, quan hệ giữa Iran (quốc gia theo Hồi giáo dòng Shiite) và Pakistan (quốc gia có giới lãnh đạo và phần lớn dân số theo Hồi giáo dòng Sunni) đã không mấy tốt đẹp.

Tehran cũng không hài lòng với mối quan hệ giữa Pakistan với Saudi Arabia - đối thủ truyền kiếp của Iran trong việc tranh quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Islamabad cho lực lượng Taliban, nhóm đã trấn áp những người Hồi giáo Shiite thiểu số khi lên nắm quyền ở Afghanistan, cũng khiến Iran phẫn nộ. Chẳng hạn, năm 1998, khi Iran suýt gây chiến với Afghanistan sau việc Taliban sát hại một số nhà ngoại giao Iran ở TP Mazar-i-Sharif (Afghanistan), Pakistan đã huy động lực lượng để hỗ trợ Taliban.

Lý giải căng thẳng Iran-Pakistan
Lý giải căng thẳng Iran-Pakistan. Ảnh: REUTERS

Về phần mình, Pakistan thể hiện sự khó chịu trước mối quan hệ thân thiết giữa Iran với kẻ thù "không đội trời chung" của Pakistan là Ấn Độ.

Islamabad cũng tức giận với những nỗ lực của Tehran nhằm chính trị hóa cộng đồng thiểu số Shiite (chiếm khoảng 10 đến 20% dân số Pakistan). Với việc đất nước thường xuyên rơi bất ổn, Pakistan không thể chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài vào nền chính trị của mình.

Ngoài ra, chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới xuất phát từ cả Iran và Pakistan đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Cụ thể, các nhóm vũ trang Jaish al-Adl và Jundullah (một nhánh của Taliban) hoạt động ở tỉnh Baluchistan của Pakistan, đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát và binh sĩ Iran ở khu vực biên giới hai nước. Năm 2010, Iran đã xử tử thủ lĩnh của Jaish al-Adl, điều này càng tiếp thêm động lực cho các hoạt động khủng bố của nhóm này.

Ở phía ngược lại, Iran là quê hương của lực lượng ly khai Baluch, nhóm nổi dậy ở khu vực tỉnh Baluchistan (Pakistan) và đã giao tranh với quân đội Pakistan trong nhiều thập niên. Islamabad cho rằng Tehran đã làm rất ít để kiềm chế nhóm này.

Nguy cơ căng thẳng Iran-Pakistan leo thang thành xung đột

Các chuyên gia không tin căng thẳng biên giới Iran-Pakistan sẽ leo thang thành xung đột vũ trang hay sẽ đổ thêm dầu vào mồi lửa Trung Đông vì thái độ giữa hai bên đến nay không quá gay gắt.

Sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran, Pakistan đã triệu hồi đại sứ của mình từ Iran về nước để phản đối vụ việc. Về phần mình, Tehran lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Pakistan và triệu tập nhà ngoại giao cấp cao nhất của Pakistan ở Iran để yêu cầu đưa ra lời giải thích.

Trong các tuyên bố chính thức, cả hai chính phủ đều không tìm cách liên hệ với cuộc chiến ở Gaza cũng như không cho rằng các cuộc tấn công của đối phương là nhằm vào công dân của mình, đồng thời cả hai đều ra tín hiệu không muốn leo thang căng thẳng.

“Iran coi an ninh của người dân và toàn vẹn lãnh thổ của mình là một lằn ranh đỏ và mong muốn người anh em thân thiện Pakistan sẽ ngăn chặn các căn cứ của phiến quân có vũ trang trên đất Pakistan” - theo tuyên bố ngày 18-1 của Bộ Ngoại giao Iran.

Lý giải căng thẳng Iran-Pakistan
Tivi phát bản tin về vụ Pakistan nã tên lửa vào Iran hôm 18-1. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Gregory Brew, nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Eurasia Group (có trụ sở tại Mỹ) cho rằng các cuộc tấn công của Iran chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại bạo lực trong nước sau vụ đánh bom tại mộ Tướng Qassem Soleimani hôm 3-1.

“Có rất nhiều áp lực trong nước buộc chính quyền phải ‘làm điều gì đó’ và giới lãnh đạo Iran đang đáp lại áp lực này” - ông Brew nói với hãng tin Reuters.

Theo ông Dov S. Zakheim, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là phó chủ tịch hội đồng quản sẽ trị của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI, trụ sở tại Mỹ), ít có khả năng xung đột Iran-Pakistan bùng phát vì lúc này không phải là thời điểm thích hợp để Iran châm ngòi một cuộc khủng hoảng lớn với nước láng giềng có vũ khí hạt nhân như Pakistan.

Vị chuyên gia cho rằng Iran hiện đang trong cuộc đối đầu gián tiếp với Mỹ thông qua nhóm vũ trang Houthis ở Yemen và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria.

Đồng quan điểm, chuyên gia Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ) thừa nhận quan hệ Iran và Pakistan hiện tại đang nóng lên tuy nhiên ông cho rằng hai bên đều “không sẵn sàng cho xung đột”.

“Cả hai nước có thể hoan nghênh đối thoại song phương và khả năng hòa giải của bên thứ ba. Kể từ giờ trở đi, ngoại giao sẽ là rất quan trọng” - ông Kugelman nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm