Giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ khen thưởng, đề bạt cán bộ

(PLO)- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương coi giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ chính trị trong năm 2023.

Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (gồm TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang).

Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan, mổ xẻ chi tiết trách nhiệm, thành lập tổ công tác phân công, phân cấp cụ thể, sát sao từng việc, từng dự án.

Cùng điều kiện như nhau, kết quả giải ngân khác nhau

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ kế hoạch vốn của 5 tỉnh, thành phố rất lớn (hơn 92 nghìn tỉ đồng, chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước). Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I-2023 lại thấp hơn bình quân chung.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng yêu cầu nêu nguyên nhân phải rõ ràng, không cần dài dòng, nhưng phải trúng. “Cái gì là nguyên nhân thực chất thì đưa vào. Không tìm được nguyên nhân xác thực, mất thời gian bàn đi, bàn lại. Tiền có rồi, kế hoạch có rồi, không giải ngân được, đọng ở đấy, ảnh hưởng rất nhiều tới tăng trưởng và thanh khoản của nền kinh tế”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn, chậm trình chủ trương đầu tư. Ông dẫn chứng nguồn vốn 296 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM vẫn chưa được phân bổ, hơn một năm chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư.

“Bộ KH&ĐT trình mà đủ thủ tục, không bao giờ tôi để chậm. Trong vòng 3-4 ngày ký để báo cáo hoàn thiện thủ tục cho các đồng chí làm”- Phó Thủ tướng khẳng định và yêu cầu quý I cần có khối lượng, cần đưa tiền ra, có căn cứ để thúc đẩy tăng trưởng “chứ không phải đợi cuối năm, làm càng nhanh, càng tốt, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Ông cũng đề nghị làm rõ nghịch lý: Có những dự án (cả công và tư) không đủ điều kiện nhưng vẫn làm “ào ào”, thậm chí nhiều dự án làm xong giờ phải xử lý sai phạm. Trong khi các dự án đầu tư công này, tiền đã có, được tạo điều kiện, đôn đốc liên tục mà làm không xong.

Trong điều kiện pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo như nhau, không ưu ái nơi nào, công bằng, công khai, minh bạch, tại sao các địa phương khác làm được, giải ngân đạt tỷ lệ cao, có nơi thiếu tiền phải xin thêm, có nơi lại không làm được.

Lo ngại khi tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng giao cho TP.HCM rất lớn, chiếm tới trên 10% tổng vốn của cả nước, Phó Thủ tướng đặt vấn đề “quý II có theo kịp mức bình quân cả nước không?”.

TP.HCM phấn đấu hết quý II giải ngân 25 nghìn tỉ đồng

“Giải ngân chậm của TP.HCM, trách nhiệm là của UBND Thành phố và của tôi là Chủ tịch UBND Thành phố”- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng “giải ngân chậm, trách nhiệm của ai?”

Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố đã có nhiều biện pháp, rất nỗ lực, tuy nhiên, do đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm và do tình hình Thành phố nên giải ngân chậm.

Hiện TP.HCM đã phân nhóm xác định các công trình, dự án trọng điểm, vốn lớn, để tập trung từ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư và công tác triển khai trên thực tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết các vướng mắc chủ quan của Thành phố nằm ở khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên mặt bằng đó. Trong tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu, với các địa phương để triển khai công việc. Việc này Thành phố đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy đã thành lập 13 tổ kiểm tra đôn đốc đối với 38 công trình, dự án trọng điểm.

Theo Chủ tịch TPHCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng cần phải có thời gian để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

"Cũng như phải mang bầu 9 tháng 10 ngày mới sinh con được"- Ông Phan Văn Mãi ví von và cam kết TP.HCM cố gắng phấn đấu hết quý II tỷ lệ giải ngân đạt 35%, tương đương với 25 nghìn tỉ đồng.

Lý giải về số vốn 296 tỉ đồng được Trung ương phân bổ, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố làm chậm về mặt hồ sơ, vướng quy hoạch. Ngày 18-4 vừa qua, HĐND Thành phố đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, Thành phố đang chờ nghị quyết HĐND để hoàn thiện hồ sơ.

“Trách nhiệm chính giờ là của địa phương. Với TP.HCM, UBND, Thường trực Ủy ban, cá nhân tôi thường xuyên giao ban hàng tuần về giải phóng mặt bằng, củng cố các tổ để kiểm tra, đôn đốc và giao ban chung hàng tháng để đánh giá tiến độ”- ông Mãi cho biết và khẳng định nỗ lực hàng ngày, cố gắng năm 2023 đạt tỷ lệ giải ngân không dưới 95%.

Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công: Căn cứ khen thưởng, đề bạt cán bộ

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá các địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Ông lưu ý đối với những công trình trọng điểm, các bộ, ngành, địa phương bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng giao năm 2023.

Ông cũng yêu cầu xem nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ chính trị trong năm 2023 và kết quả giải ngân là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, sử dụng, đề bạt cán bộ.

Nhấn mạnh thời điểm hiện nay có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không có chỉ đạo kịp thời, giao nhiệm vụ, quản lý, xử lý cán bộ một cách bài bản, đúng quy định thì việc đẩy mạnh giải ngân sẽ rất khó.

Ông cũng lưu ý giao nhiệm vụ phải có kiểm tra, đánh giá, không hoàn thành phải phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm, làm tốt phải được khen thưởng, đề bạt. Yếu tố cán bộ là rất quan trọng, công việc có được đẩy nhanh, sát sao, phương án có phù hợp, sáng tạo hay không chính là ở khâu này. Cạnh đó, cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc mới triển khai thực hiện tốt.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan. Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách nhóm dự án cụ thể, nhất là dự án trọng điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới