Thủ tướng: Xử nghiêm việc chậm giao, giải ngân vốn đầu tư công

(PLO)- Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thừa nhận còn có sự thiếu chủ động trong thẩm quyền của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác”

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu năm nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân của TP năm 2022 chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ông thừa nhận thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của TP.HCM trong năm 2022 làm chậm.

Đáng chú ý, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm, vừa không GPMB được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp. Ngoài ra, TP cũng chịu tác động do giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Thủ tục một số dự án ODA còn chậm.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho rằng bao trùm vẫn là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ. Trong lần họp trước, TP.HCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng và TP cũng đã tiến hành xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa, nếu có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các bộ trưởng thì có một nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Ông Trần Sỹ Thanh nói hiện một dự án “thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác”, chặn về đất đai, môi trường… Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng sẽ không thể thực hiện đồng thời được. “Mong Thủ tướng cho rà soát, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải đôn đốc nhau như thế này” - ông Thanh nói thêm.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho hay không chỉ riêng thủ đô mà các tỉnh, thành khác đang vướng câu chuyện liên quan đến Luật Đầu tư công là phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh: TTXVN

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này, mà cũng phải làm trong ít nhất hai nhiệm kỳ.

Ông Thanh cho rằng chính câu chuyện nhiệm kỳ này đã ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công trong khi HĐND không thể tháo gỡ được. “Cứ tháo gỡ là sai luật” - ông Thanh mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này để “giải thoát” được câu chuyện về bố trí vốn.

Tự mình đem đá buộc chân mình

“Cuộc họp hôm nay chúng ta giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra thì đang giải quyết vấn đề thuận lợi” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói. Theo ông, cái khó khăn nhất là không có tiền để làm, trong khi bây giờ có tiền rồi mà không làm được.

Ông đánh giá những vướng mắc hiện tại là do chúng ta tự gây ra, “tự mình đem đá buộc chân mình thôi”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vướng mắc hiện nay tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, thứ hai là việc thực hiện đầu tư.

Với công tác chuẩn bị đầu tư, ông dẫn quy định hiện hành “khi có tiền mới được lập dự án đầu tư”. “Khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư, vậy thì hai năm sau mới giải ngân được. Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết” - ông Phớc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…

Liên quan đến vấn đề bồi thường GPMB, ông Phớc nói theo quy định thì cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng bồi thường và phê duyệt các phương án bồi thường. “Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn” - ông Phớc nêu quan điểm.

Tránh đầu tư xong phải đi kiểm điểm, xử lý

“Đầu tư công vừa là động lực vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu kết luận.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023.

Thủ tướng lưu ý đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cạnh đó, cần bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp…

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp.

Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn.

Kiểm tra chặt các dự án mới

Trong kết luận, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới.

Theo đó, cần kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bí thư, cấp ủy huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội vận động, giúp đỡ người dân trên quan điểm bảo đảm tốt nhất có thể, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm