Ba học sinh trường THPT Amterdam - Hà Nội (từ trái qua phải: Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang và Trần Bách Trung) đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật
Quốc tế (Intel ISEF) 2012 tại Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cú hích trong giới trẻ!Với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt”, 3 học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang và Trần Bách Trung) đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2012. Cuộc thi do Hội Khoa học và Công chúng Hoa Kỳ tổ chức từ năm 1950. Năm nay, cuộc thi được tổ chức tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), từ ngày 14-18/5 với sự tham gia của hơn 1.500 thí sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chia sẻ niềm vui với các học sinh đoạt giải, Giáo sư Vật lý Hà Huy Bằng - ĐHQGHN cho biết: “Thật tuyệt vời khi biết các em đoạt giải tại cuộc thi lớn như thế này vì đây là kỳ thi có tính chất ứng dụng khoa học trong cuộc sống, rất bổ ích cho học sinh. Giải thưởng tuyệt vời hơn nữa bởi những kiến thức kinh viện trong các cuộc thi Olympic Toán học, Vật Lý hay Sinh học… mặc dù là bài giải khó nhưng mang tính chất hàn lâm như trong âm nhạc cổ điển chứ không được lấy ra từ ứng dụng cuộc sống mang tính chất khoa học thiết thực như cuộc thi này”. GS Bằng cho rằng: “Hiện nay các nhà khoa học, các nhà quản lý chưa quan tâm nhiều tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở học sinh. Giải thưởng cuộc thi này chính là cú hích như giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu trong nghiên cứu khoa học trong học sinh”. Vui, vinh dự tự hào khi học sinh của Hà Nội đoạt giải cao tại cuộc thi uy tín này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Nguyễn Hiệp Thống cho biết: “Chúng tôi hết sức bất ngờ và vô cùng tự hào. Bất ngờ vì ban đầu khi cử các em đi thi, thấy tầm vóc cuộc thi quá lớn, với rất nhiều lĩnh vực đa dạng trong khoa học và đời sống, với ban giám khảo là những nhà khoa học nghiêm túc, dày dạn kinh nghiệm và yêu cầu nhiều điều kiện nghiêm ngặt nên chúng tôi cũng chỉ mong muốn các em tham gia để được học hỏi kinh nghiệm trên sân chơi KHKT quốc tế. Đây không phải lần đầu tiên VN cử học sinh tham dự cuộc thi này, nhưng cả 3 lần trước chúng ta đều chưa đạt giải. Vì thế chúng tôi nghĩ nếu các em đạt được bất kì một kết quả nào cũng đã là rất đáng quý. Không ngờ các em đã vượt qua cuộc thi đầy khó khăn như cuộc thi này ở Hoa Kỳ và đã đoạt giải nhất”. “Nhiều năm qua, học sinh của chúng ta vẫn thường giành được giải cao trong các cuộc thi lý thuyết về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hoặc một số bộ môn khác nhưng đối với những cuộc thi phải ứng dụng các trang thiết bị, các phòng lab thì thường rất khó khăn vì điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất trong nước còn hạn chế. Việc nhóm học sinh trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam giành được giải cao trong cuộc thi này càng chứng tỏ nếu được nhà nước đầu tư xứng đáng thì trí tuệ của học sinh chúng ta hoàn toàn có thể sánh vai được với HS các nước phát triển trên thế giới” - ông Thống bày tỏ.
Nhóm học sinh Việt Nam giới thiệu công trình cho khách tham quan tại ISEF 2012, diễn ra ở Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh) Là người nghiên cứu về sinh thái và thủy văn học, PGS.TS Phạm Văn Điển, trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam nhận định, công trình của ba em học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đoạt giải nhất quốc tế là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn. PGS Điển cho biết: “Tôi rất trân trọng những thành quả mà các em đã đạt được trong điều kiện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn và tuổi đời còn trẻ. Trong công trình này, các em đã xác định vấn đề cần giải quyết có tầm quan trọng lớn và có ý nghĩa toàn cầu (vấn đề khủng hoảng tài nguyên nước ngọt, thiếu công nghệ để giải quyết). Phương hướng nghiên cứu của công trình cũng sáng tạo và có triết lý hay (chuyển từ nguồn nước mặn - vốn đang dư dật sang nguồn nước ngọt - vốn đang khan hiếm, chuyển hóa bằng công nghệ sạch và tiên tiến - kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời). Xin chúc mừng các em đã đoạt giải nhất quốc tế về công trình này”. Sẽ hỗ trợ các em tiếp tục nghiên cứu triển khai đề tàiPhấn khởi khi học sinh Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải cao tại cuộc thi ISEF, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định: “Đây là niềm tự hào lớn của Việt Nam. Các em đã mang những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày để sáng tạo nên ý tưởng trong đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích. Bộ sẽ dành kinh phí để hỗ trợ cho các em tiếp tục nghiên cứu phát triển đề tài”. Tuy nhiên, PGS Phạm Văn Điển lại băn khoăn, cho rằng: “Điều tôi băn khoăn là Nhà nước và các cơ quan quản lý nghiên cứu sẽ có hành động như thế nào để những công trình nghiên cứu tốt, trong đó có công trình của các em học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nêu trên, được tiếp tục thực hiện, hoàn thiện và có thể phát huy vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đời sống. Đừng để công trình khoa học chết trẻ. Khoa học phải được đi vào đời sống, phục vụ cuộc sống. Bởi vì hiện nay, việc nghiên cứu sâu về lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật - công nghệ ở nhiều trường đại học nước ta còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế phù hợp của nhà nước cho nghiên cứu và sáng tạo, khan hiếm về tài nguyên chất xám, thiếu thốn trang thiết bị nghiên cứu và những hạn chế trong việc hiện thực hóa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Nhiều trường đại học chỉ có thể lấy hoạt động đào tạo làm chính, ít có điều kiện phát triển các hoạt động nghiên cứu, trong đó nghiên cứu cơ bản vẫn là một thách thức lớn, chưa được phát triển tương xứng”. Thứ trưởng Quý cho hay: “Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh được phát động trong 3 năm trở lại đây đã có kết quả đáng mừng, điển hình nhất là giải thưởng ISEF mặc dù hiện nay phong trào này mới chỉ được các tỉnh, thành phố lớn triển khai. Giải thưởng của các em sẽ làm cho các nhà quản lý quan tâm hơn tới sự sáng tạo nghiên cứu khoa học của các em học sinh ở địa phương mình. Trong năm tới, để tăng cường nghiên cứu khoa học trong giới trẻ, Bộ phối hợp với TƯ Đoàn tiếp tục phát động nghiên cứu khoa học trong học sinh, bởi sự sáng tạo của học sinh rất phong phú gần gũi với đời sống hàng ngày”.
Tóm tắt Đề tài: “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt”. Xử lý nước mặn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt hiện nay. Điểm mới của đề tài là thiết kế được hệ thống xử lý nước mặn bằng cách kết hợp kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời. Thiết bị ejector tạo chân không và làm nước sôi ở nhiệt độ thấp (~50 độ C). Năng lượng mặt trời được cung cấp để duy trì quá trình sôi. Kết quả thu được nước cất có thể được sử dụng cho cuộc sống hàng ngày. Cơ sở lý thuyết của dự án bao gồm lý thuyết về hệ thống bơm-ejector, lý thuyết bức xạ mặt trời, quá trình truyền nhiệt và độ dịch điểm sôi của nước muối. Những lý thuyết này đã được sử dụng để xác định các thông số hoạt động của hệ thống. Các thí nghiệm cũng được tiến hành để xác định các thông số làm việc của ejector hút chân không và điểm sôi của nước muối. Hệ thống xử lý nước mặn có thể chưng cất được đến 9,7 lít nước mỗi ngày và sử dụng 63,5 Wh cho 1 lít nước ngọt. Sự khác nhau giữa mô phỏng lý thuyết và thức nghiệm là ~63.5%. |
Theo Hồng Hạnh (DT)