Tuy nhiên đa số người dân không có đủ điều kiện tiếp cận vay ngân hàng, số lượng công ty tài chính (CTTC) còn ít và những bất cập về chính sách là nguyên nhân khiến một bộ phận dân cư vẫn phải tìm đến tín dụng đen.
Tín dụng đen hoành hành
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia về Kinh tế nêu con số đáng giật mình về tín dụng đen. Ông cho biết tại Hà Tĩnh, tín dụng đen đang len lỏi khắp các ngõ ngách. Hỏi chuyện một người chuyên cho vay nặng lãi, người này cho biết mỗi năm cho vay doanh số thấp là 300 tỉ đồng, nhiều là 800 tỉ đồng, địa bàn hoạt động là các thị trấn lớn của Hà Tĩnh và không phải nộp bất cứ loại thuế gì. Còn ở đô thị, quảng cáo cho vay tiền dán nhan nhản khắp mọi nơi, chỉ cần một cuộc gọi là có tiền.
Theo ông Nghĩa, đây là cách làm theo truyền thống dân gian nhưng sự phát triển của hoạt động tín dụng đen hiện nay đòi hỏi phải có sự quản lý, không thể buông lỏng. Ít nhất cũng phải đưa hoạt động cho vay tiêu dùng không chính thống như cầm đồ, vay lãi suất tính theo ngày… vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ theo khuôn khổ của pháp luật. CTTC vẫn còn bị định kiến của xã hội, nhìn nhận chưa chính xác về bản chất và thường bị đánh đồng là hình thức “cho vay nặng lãi”. Điều này cho thấy ảnh hưởng của tín dụng đen trên thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn và tác động không thuận lợi đến kênh tài chính tiêu dùng chính thức như các CTTC.
“Đẩy lùi” tín dụng đen: Khó nhưng phải làm
TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, cho vay tiêu dùng qua các CTTC là xu hướng tất yếu của thế giới, không loại trừ bất cứ nền kinh tế nào. Tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên GDP chiếm lần lượt 23% và 16% trong khi tại Việt Nam, tỉ lệ này mới chỉ đạt khoảng 9,8%. Người Mỹ hầu như mua sắm gì cũng trả bằng hình thức vay tiêu dùng (trả góp hoặc trả qua thẻ tín dụng), người Nhật chi tiêu gì cũng vay trả góp, từ trả tiền học, chi phí thẩm mỹ, đám cưới, thậm chí là vay tiền để lo sẵn chuyện hậu sự. Sở dĩ tín dụng tiêu dùng của các quốc gia nói trên phát triển mạnh vì người dân ý thức được vay để chi tiêu cho cuộc sống và bắt buộc phải trả nợ, coi đó là một phương thức tiết kiệm tài sản.
Để tận dụng được cơ hội lớn từ thị trường, Việt Nam cần “giải oan” cho vay tiêu dùng với nỗ lực của cả 3 bên: cơ quan quản lý, công ty tài chính và người vay.
Theo đó, về phía cơ quan quản lý cần xem xét phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành chức năng để đơn giản hoá thủ tục cho vay tiêu dùng. Ví dụ theo quy định hiện nay, người đi vay phải trực tiếp đem theo CMND đến chi nhánh, điểm giao dịch mới được mở tài khoản là hạn chế khả năng mở tài khoản mới. Tại nhiều nước đã cho phép sử dụng dữ liệu khách hàng như quét vân tay thay vì yêu cầu khách hàng đến trực tiếp.
Hình thức này sẽ giúp giảm thiểu được chi phí và thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính tiêu dùng của người dân. Việc giảm chi phí có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng vì phần chi phí cấu thành trong lãi suất cho vay tiêu dùng lên đến 37,2%, cao hơn rất nhiều so với mức 16% của các ngân hàng thương mại. Nếu giảm được chi phí, các CTTC sẽ có điều kiện để cơ cấu lại lãi suất cho vay để có được mức lãi suất cho vay thấp hơn có lợi cho người tiêu dùng.
Về phía các CTTC cần đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu đưa ra các gói vay chuyên biệt cho khách hàng như đào tạo nghề, vay mua công cụ lao động… để đáp ứng nhiều hơn nhiều đối tượng khách hàng.
Cuối cùng, nhận thức của người vay về tín dụng tiêu dùng cũng cần phải được nâng cao với quan điểm vay qua các CTTC là người đi vay chấp nhận mức lãi suất thỏa thuận, hợp đồng đi vay được sự quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng. Người đi vay cũng cần hiểu rõ trách nhiệm khi đã ký hợp đồng vay tiêu dùng, tuân thủ cam kết thanh toán, thời gian thanh toán, góp phần giảm thiểu nợ xấu và những tranh chấp về sau.