Từ ngày xuất hiện các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng, việc mua hàng khi chưa đủ tiền không còn là điều xa lạ.
Tiềm năng lớn
Do đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, dịch cho vay tiêu dùng của các CTTC ngày càng phát triển. Gia nhập thị trường với hình thức ban đầu phổ biến là cho vay trả góp tại các điểm bán lẻ điện máy, xe máy, giờ đây dịch vụ này còn vươn ra đến các lĩnh vực như giáo dục, thể thao, du lịch…
Báo cáo Tài chính tiêu dùng 2017 của StoxPlus cho thấy tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của cả ngân hàng và CTTC trong năm 2016 đã đạt 26,55 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 28,9% so với 2015. Và chỉ tính riêng các CTTC thì mức tăng trưởng là 29,6%.
Cũng theo báo cáo của StoxPlus, xu hướng lựa chọn dịch vụ tài chính của người dân ngày càng rõ ràng hơn. Khách hàng có khuynh hướng tìm đến ngân hàng cho khoản vay lớn, dài hạn như mua hay sửa chữa nhà. Họ sẽ tìm đến các CTTC khi cần những khoản vay nhỏ và nhanh như để tổ chức lễ cưới, du lịch, học hành hay mua xe máy, hàng điện tử, điện máy...
Gần đây các sản phẩm trả góp lãi suất 0% xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đang thu hút một lượng lớn người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng sinh viên và người thu nhập trung bình thấp...
Chẳng hạn, tại chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, chiếc điện thoại Samsung Galaxy J7 Pro với giá gốc bán ra 6,99 triệu đồng. Công ty Tài chính Home Credit đang cho vay trả góp lãi suất 0%, người vay trả trước khoảng 2,1 triệu đồng (30%), sau đó trả góp 4 tháng, mỗi tháng 1,26 triệu đồng.
Chính vì thị trường màu mỡ này mà số công ty gia nhập cuộc chiến giành thị phần đã lên đến 12 so với con số 5 vào năm 2014, bao gồm các CTTC và những công ty fintech. StockPlus dự báo thị trường cho vay tiêu dùng vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng 30% trong năm 2017, mức tăng trưởng mơ ước của nhiều ngành.
Chọn cẩn trọng hay năng động?
StoxPlus đã phân tích chỉ số tăng trưởng dư nợ trung bình của 8 CTTC trong giai đoạn 2014-2016 và tỷ lệ nợ xấu 2016 của các công ty này. Kết quả cho thấy có hai hướng phát triển chính hiện nay là hướng năng động và hướng thận trọng.
Nhóm cẩn trọng- những công ty lựa chọn thị trường mục tiêu và tập trung củng cố thị trường của mình, có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ trung bình của ngành và tỷ lệ nợ xấu thấp. Trong khi đó, nhóm công ty năng động- những công ty cung cấp các sản phẩm đa dạng và đẩy mạnh cho vay tiền mặt, có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ và nợ xấu đều cao.
Tuy nhiên, điều thú vị mà nghiên cứu đã phát hiện ra đó là tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM – số đo chính về khả năng sinh lợi) của nhóm cẩn trọng không hề kém cạnh so với nhóm năng động.
Tiêu biểu trong nhóm cẩn trọng là Công ty Tài chính Home Credit. Bước đi cẩn trọng của Home Credit thể hiện qua các sản phẩm vay trả góp mua hàng của công ty. Khác với các đối thủ tập trung phát triển nhiều sản phẩm trả góp không cần trả trước, Home Credit chủ yếu tập trung vào những sản phẩm lãi suất thấp, kể cả không lãi suất nhưng yêu cầu một khoản trả trước nhất định từ người đi vay.
Theo đại diện Home Credit, những khách hàng có khoản tiết kiệm nhất định cho món đồ giá trị mình muốn mua là những người đầu tư nghiêm túc khi chi tiêu, do vậy sẽ có mức an toàn tín dụng và khả năng cam kết hoàn thành nghĩa vụ đi vay cao. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ hằng năm của Home Credit đều ở mức 4%, thấp hơn so với các đối thủ ở nhóm công ty chọn hướng phát triển cho vay năng động.
StoxPlus kết luận: “Một công ty không cần thiết phải cạnh tranh bằng cách tăng trưởng nhanh và mở rộng thị phần bằng mọi giá, điều quan trọng là phải tập trung vào phân khúc thị trường đã lựa chọn, gia tăng hiệu quả hoạt động và kiểm soát chặt chẽ rủi ro”.