Ngày 26-9, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp cùng Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt”.
Nhiều đề xuất, giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, bảo vệ nông dân, giữ niềm tin của người tiêu dùng đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt, các chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân đưa ra tại buổi tọa đàm.
Thông tin trên nhận về nhiều sự đồng tình của quý bạn đọc vì hiện trên thị trường rất khó để nhận diện thương hiệu nông sản Đà Lạt. Đồng thời bạn đọc cho rằng cần tăng cường kiểm tra, rà soát liên tục để kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt mạnh tay để đủ sức răn đe.
Nông sản Đà Lạt: Nhập nhằng thật giả
Bàn về vấn đề trên, bạn đọc Đỗ Hoài viết: “Siêu thị gần nhà tôi thường bày bán đủ loại khoai tây. Khoai tây Đà Lạt sẽ được để riêng với giá tiền cao hơn, loại còn lại sẽ để riêng với bảng giới thiệu “Khoai tây” nhưng không nêu xuất xứ. Vậy làm sao để người tiêu dùng biết đây là loại khoai tây gì và cách kiểm chứng như thế nào? Ngay cả nơi cung cấp còn mập mờ về nguồn gốc thì người mua lấy gì để kiểm tra? Tôi không có kinh nghiệm để phân biệt các loại khoai tây và tôi tin rằng nhiều người khác cũng thế. Do đó, kiến nghị nên có biện pháp như dán tem chống hàng giả, áp dụng QR Code đối với nông sản để người mua kiểm tra xuất xứ nguồn gốc”
Chung nỗi lo về cách bảo vệ thương hiệu nông sản Việt, bạn đọc Phạm Ngân bày tỏ ý kiến dưới góc nhìn nội trợ như sau: “Tôi lựa chọn khoai tây Đà Lạt dựa trên đặc điểm như có vỏ mỏng, hơi sần sùi, có màu vàng sáng hoặc nâu nhạt. Khi cầm lên, cảm giác chắc tay và không bị rỗ, thường có hình dáng tròn hoặc hơi méo, không đồng đều. Tuy nhiên cách phân biệt trên chỉ mang tính tương đối. Rất mong sớm có giải pháp để người tiêu dùng an tâm sử dụng nông sản Đà Lạt rõ nguồn gốc. Vì giá thành khá cao nên nếu nông sản Đà Lạt bị pha trộn hay không đúng xuất xứ Đà Lạt thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, chưa kể nỗi lo về sức khỏe khi sử dụng sản phẩm giả mạo thời gian dài”.
Ứng dụng Al sẽ bảo vệ được nông sản Đà Lạt
Nói về giải pháp được nêu ra trong buổi tọa đàm, bạn đọc Thanh Minh đồng tình: "Kinh doanh nông sản Đà Lạt hơn 10 năm, tôi thấy việc ứng dụng Al vào ngành nông sản là sáng kiến rất hay. Với vai trò là một chủ cơ sở, tôi biết rằng nhiều tiểu thương tại Đà Lạt thường nhập nông sản từ Trung Quốc, như cà rốt, khoai tây, khoai lang,… sau đó gắn mác Đà Lạt để lừa dối khách hàng. Điều này dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản Đà Lạt; dẫn đến giá thành sản xuất cao và sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, việc áp dụng Al vào kinh doanh nông sản Đà Lạt sẽ giúp hạn chế tình trạng tiểu thương nhập lậu hàng từ Trung Quốc, góp phần bảo vệ thương hiệu và chất lượng nông sản địa phương. Tuy nhiên kinh phí để đầu tư cho dự án sử dụng Al và duy trì lâu dài là bài toán khó”.
Đề xuất giải pháp bảo vệ nông sản Đà Lạt, bạn đọc Võ Nguyên nêu: “Theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền về 7 giải pháp mà báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải một cách rộng rãi hơn vì nhiều chủ cơ sở kinh doanh có thể chưa thành thạo về công nghệ. Do đó, cần tổ chức các buổi tập huấn định kỳ để cung cấp thông tin pháp luật, truy xuất nguồn gốc,... cho các chủ cơ sở. Cần xử lý nghiêm các vi phạm, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các cơ sở kinh doanh trái pháp luật để răn đe. Chính quyền địa phương, quản lý thị trường, công an kinh tế... cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý và ngăn ngừa tái phạm”.
7 giải pháp bảo vệ thương hiệu
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt”, chuyên gia đề xuất bảy giải pháp xử lý triệt để vi phạm, bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, bao gồm:
Thứ nhất, cần quản lý chặt nguồn cung bằng các quy định chặt chẽ, cam kết của các thương nhân, tiểu thương kinh doanh nông sản trên địa bàn.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền phố biến về chất lượng, nhận diện, sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản; các địa điểm phân phối nông sản đúng thương hiệu Đà Lạt đến người tiêu dùng.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp để hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt với nông sản nhập khẩu.
Thứ tư, tăng cường thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng QR CODE đối với nông sản.
Thứ năm, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu thông qua hợp đồng giữa các bên.
Thứ sáu, tuyên truyền, tập huấn pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đến người kinh doanh và người tiêu dùng trên cả nước.
Thứ bảy, địa phương cần tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng đối với các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn để để kịp thời xử lý vi phạm.