Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới đang trong tình trạng vắng hành khách do hơn 300 chuyến xe đã bỏ bến và phân nửa số đó trở thành xe dù. Các chuyên gia cho rằng để BXMĐ mới phát huy hiệu quả cần có nhiều giải pháp tổng thể.
Cần giải pháp tổng thể để “giải ế” cho Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: ĐT |
Hoạt động hết công suất nhưng lượng hành khách chưa tăng
Ngày 7-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện BXMĐ mới cho biết sau gần một tháng BXMĐ mới hoạt động hết công suất nhưng lượng hành khách qua bến mới không tăng.
Theo thống kê ngày 3-11, tại BXMĐ mới chỉ có 165 chuyến xe xuất bến (thấp nhất từ trước đến nay) với 2.066 hành khách, hụt 335 chuyến xe so với thực tế. Ngày 5-11, bến xe có 172 chuyến xe xuất bến với 2.054 hành khách; ngày 6-11 có 175 chuyến xe xuất bến với 1.797 hành khách.
Về phía hành khách, giải thích về lý do không chọn BXMĐ mới, chị Lý Thị Nhị (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) nói: “Tôi đi từ nhà ra BXMĐ mới bằng taxi hay taxi công nghệ mất gần 200.000 đồng, trong khi vé xe đò từ TP.HCM về nhà tôi ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ khoảng 200.000 đồng. Việc di chuyển khá xa như vậy vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí nên tôi không chọn bến xe này”.
Đại diện một hãng vận tải chạy tuyến TP.HCM - Đồng Nai cho biết hiện số lượng hành khách về BXMĐ ít nên hãng xe chủ yếu vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hãng xe không vào bến mới vì hành khách ngại xa, trong khi việc vận chuyển hàng hóa cũng phát sinh thêm chi phí so với bến cũ.
Chính vì những lý do trên mà tình trạng xe dù, bến cóc những ngày gần đây khá nóng khi các hãng xe đón hành khách dọc các tuyến đường Điện Biên Phủ, quốc lộ 13, quốc lộ 1, khu vực Suối Tiên. Những ngày qua, lực lượng chức năng gồm Thanh tra Sở GTVT và CSGT đã tăng cường ra quân xử phạt để sớm lập lại trật tự giao thông.
Các sở, ngành cần phối hợp để xây dựng hệ sinh thái hấp dẫn với trung tâm thương mại gồm cây xăng, hàng quán… gần khu vực BXMĐ mới để thu hút hành khách đến bến.
Cần giải bài toán tổng thể
TSKH Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định để BXMĐ mới hoạt động hiệu quả, hạ tầng giao thông kết nối cần đồng bộ. Trong đó, TP.HCM cần sớm hoàn thành tuyến metro số 1, hạ tầng giao thông đường bộ trước BXMĐ mới và kết nối xe buýt với bến xe này.
Hiện nay hạ tầng giao thông chưa hoàn thành thì hệ thống xe buýt cần kết nối nhiều hơn để thành một mạng lưới dày đặc. Xe buýt không chỉ để vận tải hành khách mà cần chú trọng tới vận chuyển hành lý, như vậy mới thực sự thu hút hành khách.
Ngoài ra, theo ông Sơn, cần duy trì hệ thống xe trung chuyển từ BXMĐ cũ về BXMĐ mới liên tục, ổn định. Đồng thời, Sở GTVT TP và chủ đầu tư cũng cần tính toán có thêm nhiều điểm trung chuyển trong nội đô và một số điểm cụ thể khác để tạo sự kết nối và thuận tiện cho người dân.
Đặc biệt, các sở, ngành cần phối hợp để xây dựng hệ sinh thái hấp dẫn với trung tâm thương mại gồm cây xăng, hàng quán… gần khu vực BXMĐ mới để thu hút hành khách đến bến.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, nhận định việc đưa BXMĐ mới ra cửa ngõ TP là chủ trương hoàn toàn đúng của TP.HCM. Bởi BXMĐ mới sẽ xóa bỏ tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải ở nội đô. Việc điều chỉnh số chuyến khiến xe không vào bến nữa không có nghĩa là bến chưa phù hợp.
Tuy nhiên, vấn đề TP.HCM và chủ đầu tư cần làm lúc này là làm sao để BXMĐ mới phát huy hiệu quả. Theo đó, cần giải bài toán bằng giải pháp đồng bộ: Tổ chức xe trung chuyển, xử lý xe dù, bến cóc, thiết lập lại luồng tuyến…
Theo ông Tính, chấn chỉnh xe dù, bến cóc là công việc quan trọng, thanh tra giao thông cần phối hợp chặt với CSGT để xử lý dứt điểm. Giải pháp là các quận, huyện, Sở GTVT TP và CSGT cần ký quy chế phối hợp, tránh tình trạng chồng chéo thẩm quyền. “Nếu làm tốt những giải pháp trên thì sẽ dễ quy trách nhiệm, vi phạm xảy ra ở đâu thì trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị ở đó” - ông Tính nói.
Ông Tính cũng đề nghị cần phân lại các luồng tuyến khi các hãng xe chuyển từ BXMĐ mới về các bến xe khác. Nếu cơ quan chức năng cấp phép mở tuyến tràn lan thì BXMĐ mới sẽ không thể lấp đầy, bến xe này sẽ không phát huy hiệu quả tạo ra tình trạng bến thì quá tải, bến thì ế hành khách.•
Sở GTVT TP đặt ra nhiều phương án
Trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” ngày 6-11 với chủ đề “Quy hoạch và quản lý bến xe, bãi đỗ xe”, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã đưa ra nhiều giải pháp vận hành cho BXMĐ mới.
Về hạ tầng: Nỗ lực hoàn thành tuyến metro số 1 vào năm 2023, hạng mục cầu vượt trước BXMĐ mới sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Xử lý xe dù, bến cóc: Tăng cường phối hợp giữa thanh tra giao thông, CSGT TP và các quận, huyện cùng chính quyền địa phương, trong đó chú trọng tới việc tăng cường ra quân và xử lý qua hình ảnh.
Về chính sách: Sở GTVT TP sẽ tham mưu UBND TP ban hành chỉ thị về quản lý trật tự đô thị, trong đó có vấn đề lòng đường và đón trả hành khách sai quy định. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị từ Sở GTVT, CSGT và chính quyền địa phương. Cuối năm 2022, Sở GTVT TP cũng triển khai đề án cấm xe giường nằm và xe trên 30 chỗ vào trung tâm TP.