Án này liên quan đến sinh mạng của tử tù nên phải có tinh thần trách nhiệm để xem xét giải quyết sớm” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước nêu ý kiến như thế tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 6-10) về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.
Về nội dung này, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho hay thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tòa án đã phối hợp với VKS, Bộ Công an xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan (được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII) có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Trong số 102 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 53 trường hợp và chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với ba trường hợp do có vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Đề cập về nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế, TAND Tối cao cho rằng do đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Một số cán bộ làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao nên chưa bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác. Chất lượng công tác xét xử của tòa án các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, dẫn đến việc gia tăng về số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra biên chế cán bộ, thẩm phán hiện nay của TAND Tối cao, đặc biệt là số lượng thẩm phán còn thiếu so với chỉ tiêu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ (thiếu 50 thẩm phán) nhưng không thể bổ sung vì vướng quy định của Hiến pháp. “Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND Tối cao, nơi tập trung số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm” - ông Hào cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng TAND Tối cao đã không hoàn thành nghị quyết mà Quốc hội giao cho. Ông Đương cũng tỏ ra băn khoăn khi trong số 5.000 đơn khiếu nại, tố cáo mà TAND các cấp đã giải quyết chưa nêu rõ đúng bao nhiêu, sai bao nhiêu, vừa có đúng mà vừa có sai là bao nhiêu. “Hiện còn đến 5.000 đơn tồn đọng chậm xem xét như vậy thì công lý sẽ ra sao?” - ông Đương nói và đề nghị phải rà soát, giải quyết dứt điểm chứ không để kéo dài như thế. Đồng thời phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người giải quyết sai. “Như vụ ông Chấn (ông Nguyễn Thanh Chấn - Bắc Giang phải ngồi tù oan hơn 10 năm), nếu giải quyết án oan sai từ đầu thì đâu để đến tận bây giờ” - ông Đương nói và đề nghị VKS, tòa án cần lựa chọn người giỏi, bố trí vào khâu này.
Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho hay trong 10 tháng đầu năm, tòa án các cấp đã giải quyết 52 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ công chức có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; tố cáo cán bộ, thẩm phán có hành vi quan liêu, yêu sách trong việc nhận đơn khiếu kiện; cố ý làm sai các quy định của pháp luật tố tụng; không kịp thời giải quyết các yêu cầu của đương sự... Qua xem xét 38 đơn tố cáo nhận thấy có hai trường hợp tố cáo đúng và 36 trường hợp không có sự việc như nội dung tố cáo đã nêu. “Đối với hai trường hợp tố cáo đúng, có kết luận có hành vi vi phạm: Quy tắc ứng xử của thẩm phán và cán bộ, công chức tòa án nhân dân. Tòa án đã xử lý kỷ luật với hình thức cách chức chức danh thẩm phán” - ông Hào cho hay. |