'Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon'

Chương trình thường niên toàn cầu này nhằm nỗ lực giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người toàn cầu.

Theo công bố của UNEP, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; đã và đang trở thành thách thức lớn đối với môi trường.

Chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta

Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã kêu gọi các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố; các đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trên cả nước.

Cụ thể, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ. Trong đó kêu gọi sử dụng hiệu quả bền vững các nguồn nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông; thực hiện phát triển bảo tồn đa dạng sinh thái tự nhiên, tăng cường công tác kiểm soát, đặc biệt với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác dự báo thiên tai, khuyến khích nghiên cứu và triển khai ứng dụng các mô hình kiến trúc, vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo; nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30-6-2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.

Đặc biệt, đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động "Tháng hành động vì môi trường" để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trên cả nước, có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư… Ngoài ra, còn có chuỗi hoạt động, như: diễn đàn “Báo chí với sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”; hội nghị triển khai chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018 khu vực miền Trung và Tây Nguyên; tổ chức lớp học môi trường cho học sinh THCS; tổ chức đổi pin sinh thái vào các ngày 4 và 5-6 tại TP Quy Nhơn.

Ngày Môi trường Thế giới là một sự kiện toàn cầu về môi trường do Liên Hợp Quốc khởi xướng, diễn ra vào ngày 5-6 hằng năm ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2018, Ấn Độ là chủ nhà của sự kiện Ngày Môi trường Thế giới.

Tại Việt Nam, Ngày Môi trường Thế giới năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Định do Bộ TN&MT chủ trì và tổ chức các hoạt động cấp quốc gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới