Giải thích bản án vụ Epco - Minh Phụng: Không ổn?

Án tuyên thu hồi số tiền đầu tư nhưng tòa lại giải thích thành thu hồi giá trị số tiền đã đầu tư, gây khó cho quá trình thi hành án...

Về chuyện này, các chuyên gia pháp luật đã nhận xét ra sao?

Một lãnh đạo THA dân sự TP.HCM:

Tòa nên đề nghị hủy các văn bản của mình!

Theo chúng tôi, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã giải thích bản án mâu thuẫn, sai nội dung khiến quyền lợi của những người liên quan bị xâm hại. Quan trọng hơn, nó đã gây khó khăn lớn cho cơ quan Thi hành án (THA) trong quá trình thi hành. Vì thế, chúng tôi đưa ra kiến nghị này với mong muốn tạo một hành lang pháp lý an toàn cho chấp hành viên khi tổ chức hoạt động THA. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề của THA TP.HCM hay riêng vụ án Minh Phụng mà còn là vấn đề chung của nhiều vụ án và THA các tỉnh trong cả nước, vì nếu tòa cứ giải thích thế này thì cơ quan THA không biết đường nào mà lần.

Chúng tôi mong muốn chính Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lên tiếng kiến nghị TAND tối cao xem xét, hủy các văn bản giải thích của mình. Những giải thích này không thể thực thi bởi tiền hậu bất nhất, làm thay đổi nội dung bản án khiến nó không còn như ban đầu nữa. Với những giải thích ấy, cơ quan THA luôn phải thụ động, lệ thuộc vào tòa, dẫn đến hệ quả là ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người có tài sản trong vụ án.

Nhìn rộng hơn, việc Tòa phúc thẩm giải thích tiền hậu bất nhất, vi phạm nguyên tắc “tòa án không được sửa đổi hay bổ sung bản án, quyết định đã tuyên” gây hậu quả nghiêm trọng, nặng nề cho cơ quan THA. Trước hết là làm cho cá nhân người đứng đầu cơ quan THA rất khó xử lý. Sau nữa, giả sử cơ quan THA cứ máy móc thi hành theo văn bản giải thích lần đầu của tòa, lỡ sau này tòa lại ra văn bản giải thích khác ngược lại, chẳng phải đã làm khó cho THA hay sao? Lúc ấy, cơ quan THA từ chỗ làm đúng lại thành làm sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một thẩm phán TAND tối cao (đề nghị không nêu tên):

Không được giải thích sai bản chất

Khi nhận định, bản án nêu rất rõ: “Epco đầu tư vào các lô đất ở quận 2 và quận 9 (TP.HCM) hơn 46 tỷ đồng... Việc này sẽ giao cho Epco thu hồi vốn đầu tư, nộp ngân hàng để thanh toán nợ cho bị cáo”. Nhận định này phù hợp với phần quyết định: “Giao Epco thu hồi số tiền Liên Khui Thìn đầu tư”... Rõ ràng ở đây, hội đồng xét xử đã cụ thể hóa số tiền thu hồi là hơn 46 tỷ đồng đầu tư ban đầu chứ không nói gì đến giá trị các lô đất đó cả.

Cạnh đó, về chữ nghĩa thì từ “thu hồi” mà hội đồng xét xử tuyên đã hàm ý rất rõ: thu về lại, lấy lại cái trước đó đã đưa ra (Từ điển Tiếng Việt năm 1992 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Nói cách khác, cụm từ “thu hồi số tiền đầu tư” mà hội đồng xét xử tuyên, rõ ràng có ý nghĩa là thu hồi số tiền hơn 46 tỷ đồng đầu tư ban đầu chứ không nói gì đến chuyện thu hồi toàn bộ giá trị tài sản là các thửa đất tại thời điểm THA. Việc giải thích thêm chữ “giá trị” vào trước “số tiền đầu tư” như thế là sai về bản chất của bản án!

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM, người đã bào chữa cho bị cáo Tăng Minh Phụng trong vụ án này):

Phải giải thích đúng ý nghĩa bản án

Tòa tuyên “thu hồi số tiền đầu tư” tức là thu hồi một số tiền cụ thể mà Liên Khui Thìn đã bỏ ra. Chẳng hạn, khi Liên Khui Thìn bỏ 100 ngàn đồng “mua” các sở đất, đầu tư các công trình trên đất..., đến khi THA cũng chỉ thu hồi đúng 100 ngàn đồng này thôi. Chừng nào án tuyên rằng “thu hồi toàn bộ giá trị đầu tư”, lúc ấy cơ quan chức năng mới bán đấu giá đất, thu hồi một cục, kể cả số tiền mà đất đó sinh lợi, có thể cao hơn gấp hàng chục lần vốn bỏ ra ban đầu.

Tôi cho rằng tòa nói gì thì nói cũng phải theo đúng ý nghĩa của bản án chứ không thể giải thích khác nội dung đã tuyên. Ở đây theo tôi, cơ quan chức năng chỉ thu hồi số tiền mà Liên Khui Thìn bỏ ra đầu tư ban đầu, nếu chậm THA thì phải tính lãi suất, còn cách thức thu hồi như thế nào là chuyện khác.

Luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người nghèo):

Tôn trọng ý chí ban đầu của hội đồng xét xử

Giải thích bản án là chuyện thường ngày và cần thiết của tòa án trong các trường hợp án tuyên không rõ. Tuy nhiên khi giải thích, tòa phải tôn trọng ý chí ban đầu của hội đồng xét xử. Ở vụ này, tòa thêm chữ “giá trị” đã làm thay đổi nội dung ban đầu của bản án. Bởi lẽ, xét về ngữ nghĩa thì “số tiền đầu tư” khác xa với “giá trị số tiền đầu tư”, vì một đằng là con số hữu hình, cụ thể; một đằng là con số biến động, không xác định.

Việc giải thích bản án đã có các quy định. Tòa không thể tự giải thích sai với nội dung ban đầu, từ đó làm sai luôn bản chất sự việc.

UBND TP cũng đã từng kiến nghị

Ba tháng trước, UBND TP.HCM từng có công văn gửi Ban chỉ đạo THA phần tài sản vụ Epco - Minh Phụng, cho rằng khi tòa giải thích án đã bổ sung thêm từ “giá trị” là không phù hợp với nội dung của bản án. Theo quy định, khi giải thích những điểm chưa rõ, đính chính sai sót về số liệu, tòa án không được sửa đổi, bổ sung bản án, quyết định. Trong khi đó, bản án tuyên “thu hồi số tiền đầu tư” nhưng khi giải thích thì lại yêu cầu “thu hồi giá trị số tiền đầu tư” nên có thể sẽ làm phát sinh hai cách THA khác nhau, gây khó khăn, vướng mắc cho việc THA. Vì thế, UBND TP kiến nghị các cơ quan chức năng khác xem xét lại vấn đề này để kịp thời giải quyết những vướng mắc liên quan.

Một số bản án được tòa giải thích sai nội dung gây khó khăn cho công tác thi hành án.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm