Giải trình vụ khu vực khoáng sản cát trắng ở Bình Thuận bị tụt xuống từ 2-3 m

(PLO)- Theo UBND huyện Tuy Phong, khu vực khoáng sản cát trắng bị tụt xuống từ 2-3 m là do chủ đất san gạt để sản xuất nông nghiệp.

Ngày 3-6, nguồn tin của PLO cho biết liên quan đến khu vực có khoáng sản cát trắng bị tác động, tụt xuống từ 2-3 m, UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản giải trình.

Khu vực có khoáng sản cát trắng nhìn từ bản đồ Google Map.

Cụ thể, qua kiểm tra của Chi Cục Khoáng sản Miền Nam tại khu vực Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản cát trắng Phan Rí II, diện tích 29,4 ha mà Công ty đã trúng đấu giá có dấu hiệu bị khai thác.

Tại thời điểm kiểm tra, khu vực trên có 1 xe ben khoảng 3,5 tấn và 1 xe đào khoảng 1,2 m3 nằm trong khu vực, có dấu hiệu bị tác động thấp hơn địa hình hiện hữu xung quanh từ 2 - 3 m.

Ngoài ra, trên đường vào khu vực trúng đấu giá gần mốc số 3 và số 4 có dấu bánh xe ben chạy trên đường. Kết quả kiểm tra, xác minh của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận vào ngày 3-4-2024 thì khu vực trên không có hoạt động khai thác khoáng sản, không có máy móc, thiết bị sử dụng khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, khu vực có vị trí tọa độ x: 1239.464, y: 508.032 có dấu hiệu bị tác động thấp hơn địa hình hiện hữu xung quanh từ 2 - 3 m như ghi nhận của Chi Cục Khoáng sản Miền Nam.

Giải trình, UBND huyện Tuy Phong cho biết, Khu vực có vị trí tọa độ VN 2000 (X: 1239464; Y: 508032) đối chiếu bản đồ địa chính thuộc thửa đất số 32, tờ bản đồ số 14, diện tích 8475,4 m2 , mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, quy chủ cho ông Nguyễn Thắng Nhanh (cư ngụ tại thôn Lâm Lộc 2, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong).

Sản phẩm khoáng sản cát trắng của Công ty vật liệu xây dựng và khoáng sản Bình Thuận. Ảnh minh họa.

Thửa đất này được đăng ký vào sổ mục kê đất đai do Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận ký ngày 28-12-2016; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về hiện trạng có dấu hiệu bị tác động thấp hơn so với địa hình hiện hữu là do khu vực có địa hình không bằng phẳng, có chỗ cao, chỗ thấp khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nên trước đây ông Nhanh có san gạt lại mặt bằng và đào 2 ao chứa nước phục vụ cho việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và nuôi cá.

Khối lượng đất đào ao còn để 2 bên bờ ao, không có dấu hiệu vận chuyển khoáng sản dôi dư ra bên ngoài.

Tại khu vực này, từ năm 2021 đến ngày 10-3-2024 có một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép vào đêm khuya bằng hình thức thủ công, dùng xẻng xúc đổ lên xe ben.

Tổ kiểm tra khoáng sản của huyện Tuy Phong có tăng cường công tác kiểm tra, thành lập chốt kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý 12 trường hợp với tổng số tiền 12,4 triệu đồng. Ngoài ra, còn tịch thu 12 xẻng xúc cát, buộc nộp số tiền 48 triệu đồng vào ngân sách tương đương giá trị phương tiện vi phạm hành chính là xe máy đào.

Từ khi Đoàn kiểm tra của Chi cục Khoáng sản miền Nam phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra khu mỏ cát trắng Phan Rí II từ tháng 3-2024 đến nay, khu vực này không còn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

“UBND huyện Tuy Phong đã chỉ đạo Phòng TN&MT, Công an huyện, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này”, giải trình của UBND huyện Tuy Phong nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới