Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn tới các sở Giáo dục, trường phổ thông trực thuộc Bộ, yêu cầu tinh giản cuộc thi dành cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) phổ thông.
Động thái này ra đời trong bối cảnh số lượng cuộc thi dành cho GV, HS hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực. PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (ảnh), đánh giá đây là một hành động cần thiết để đưa dạy và học về thực chất.
Các cuộc thi là tràn lan và hình thức
. Phóng viên:Thưa ông, một trong những nội dung trong công văn mới đây của Bộ GD&ĐT đó là giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức. Bộ đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị… Ông đánh giá thế nào về công văn trên?
+ PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Như nhiều lần tôi đã bày tỏ quan điểm với báo chí về vấn đề thi cử. Quan điểm nhất quán của tôi đó là có học phải có thi. Bởi vì các kỳ thi là cách để đánh giá HS, không có thi thì người ta không học. Thi là cách kiểm tra lại năng lực, kiến thức của HS, GV có phù hợp yêu cầu trong quá khứ đào tạo cũng như trong tương lai để đưa ra phương hướng đào tạo như thế nào. Đó cũng là việc rất bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng các kỳ thi, làm như thế sẽ gây nên tình trạng căng thẳng cho GV, HS và phụ huynh.
. Vậy theo ông, trước thời điểm công văn này ra đời, mức độ các kỳ thi ở nước ta như thế nào?
+ Tôi thấy đánh giá của Bộ GD&ĐT rất đúng. Theo tinh thần công văn cũng như quan sát của tôi thì chúng ta quá lạm dụng các kỳ thi, điều này gây căng thẳng rất lớn cho các em HS, nhất là ở bậc tiểu học và THCS. Ở hai cấp này, cần tạo ra cho HS tinh thần học tập thoải mái hơn là phải đối phó với kỳ thi.
. Ông có thể đánh giá một cách chung nhất, gọi tên về tình trạng các kỳ thi đó?
+ Theo tôi, đó là tràn lan và hình thức. Tràn lan vì nhiều kỳ thi quá, hình thức bởi vì có tình trạng người ta dùng các kỳ thi để đánh giá cái này cái kia. Thành ra ai cũng cố tặc lưỡi cho xong.
. Vậy theo ông, mức độ các kỳ thi như thế nào thì đảm bảo được điều như ông nói, đánh giá được năng lực mà cũng không quá tạo ra sự căng thẳng?
+ Theo tôi, một năm chỉ tổ chức khoảng vài lần là vừa phải. Tôi thấy ở nước ngoài, người ta cũng tổ chức thi nhưng không hề căng thẳng. Chỉ cần nhà trường có bài kiểm tra đánh giá năng lực HS là đủ.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nếu quá lạm dụng các kỳ thi sẽ gây căng thẳng lớn cho các em học sinh, nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Ảnh: V.THỊNH
Phải gắn với năng lực, đạo đức giáo viên
. Trước kia ông từng làm công tác quản lý, các kỳ thi ở thời điểm ông đang công tác diễn ra như thế nào?
+ Thời đó vẫn có cuộc thi ở địa phương, ở quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ do thời đó đạo đức của người thầy tốt nên người ta tổ chức thi rất nghiêm túc. Nghiêm túc ở chỗ nếu ai đạt được mức độ nào cho mức độ đó, lấy cơ sở đó để bồi dưỡng thêm. Nhưng bây giờ, qua việc trao đổi với một số GV, tôi thấy các kỳ thi bị bệnh thành tích.
. Vậy theo ông, nguyên nhân vì đâu có sự thay đổi dẫn đến mức độ tràn lan, hình thức các kỳ thi?
+ Theo tôi, do vẫn có cơ chế căn cứ vào việc xem có nhiều HS đỗ hay không, kết quả thế nào từ đó mà đánh giá sự dạy dỗ của GV. Một phần nào cũng do đạo đức của GV xuống cấp. Mặt khác, do cơ chế tạo thi đua dựa trên đánh giá kết quả đó nên dẫn đến hiệu quả như vậy. Nên để cải thiện tình hình này phải xem xét, theo dõi người thầy có cố gắng hay không. Theo dõi trong cả quá trình chứ không phải dựa vào thành tích của HS hay kết quả thi của chính họ.
. Như vậy trong vấn đề này còn có cả trách nhiệm của người thầy?
+ Có chứ. Hôm trước tôi hỏi một GV, họ thừa nhận rằng do căng thẳng về thi đua nên cũng có sự du di đối với HS. Đạo đức đối với người thầy là rất cần thiết. Để đánh giá khách quan, đúng đắn phải đòi hỏi năng lực và đạo đức của người thầy. Năng lực, đạo đức kém thì việc so sánh trường này trường kia sẽ không thực chất, ý nghĩa.
Dùng thành tích để xét việc thì sao khỏi căng thẳng
. Có thể nói ông rất đồng tình với công văn của Bộ. Còn có điều gì khiến ông băn khoăn không?
+ Tôi đọc báo thấy công văn có đề cập đến việc không sử dụng kết quả các cuộc thi do Sở GD&ĐT tổ chức và thành tích của HS do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của HS từ năm 2017-2018, tuyển thẳng trong xét tuyển HS đầu cấp từ năm học 2018-2019. Theo tôi thì điều này cần phải xem xét lại. Các cuộc thi mà sở cử đi ở quốc gia, quốc tế thì vẫn phải nên ghi nhận. Bởi ở cấp quốc gia, quốc tế thì việc coi thi chắc chắn sẽ nghiêm túc hơn. Thành tích ở các cấp đó cũng rất đáng tự hào, vì thế vẫn phải nên ghi nhận để tránh phủ nhận cố gắng của HS. Còn nếu lo ngại việc sở ép các em đi thì tôi thấy công văn cũng có đề cập đến tính tự nguyện rồi.
. Câu hỏi cuối cùng, ông có kỳ vọng rằng công văn sẽ thay đổi được thực tế đang tồn tại trong ngành giáo dục về các kỳ thi không?
+ Có những chính sách của chúng ta đưa ra chưa phù hợp với thực tế, vì vậy mới cần sự quan sát để điều chỉnh. Không có con đường nào bằng phẳng, đôi khi phải có lượn sóng mới tới được đích. Chúng ta dùng thành tích để xét việc này việc kia, từ chỗ đó dần dần hình thành nên ý thức của con người, cho nên mới hình thành các cuộc thi căng thẳng. Nó cũng giống cơ thể của mình, lạm dụng thuốc cũng nguy hiểm nhưng không uống thuốc bệnh sẽ phát nặng.
. Xin cám ơn ông.
Bộ nên chỉ rõ những kỳ thi nào cần bỏ Tôi nghĩ giảm các kỳ thi thì tốt chứ. Nhưng công văn thì vẫn chưa nêu cụ thể là giảm kỳ thi nào, nếu cứ chung chung như vậy tôi sợ rằng sẽ vẫn chỉ là chỉ đạo rồi để đó thôi và sẽ không hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ Bộ nên xác định rõ kỳ thi nào không hiệu quả, đưa ra danh sách phải bỏ luôn. Cô NG.T.HOÀN, giáo viên tiểu học ở TP.HCM |