Chiều 3-7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Nhiều vụ cháy thương tâm
Tại phiên chất vấn, đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) cho biết, năm 2022, Hà Nội ban hành nghị quyết về xử lý các cơ sở không đảm bảo về các điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Đặc biệt, sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 26/NQ-HĐND về các biện pháp tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, trong đó nêu ra 2 nhóm nhiệm vụ với các cơ quan của thành phố trong triển khai thực hiện…
Trong đó đặt ra những chỉ tiêu như 100% các hộ dân trang bị hai bình chữa cháy, 100% các hộ dân, nhà ở riêng lẻ… có lối thoát nạn thứ 2.
“Tuy nhiên thời gian qua nhiều vụ cháy xảy ra gây hậu quả thương tâm, một số địa bàn có các chỉ tiêu về PCCC đạt thấp. Đề nghị Giám đốc Công an Hà Nội giải thích. Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?” – đại biểu Dương đặt câu hỏi.
Cần hỗ trợ người dân trang bị bình chữa cháy
Trả lời, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội cho hay lực lượng công an toàn thành phố đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết 26. Kết quả, hơn 1,48 triệu hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy, đạt tỷ lệ 86% tổng số hộ gia đình toàn thành phố; hơn 229.000 hộ mở lối thoát nạn thứ 2, đạt tỷ lệ 75%...
“Hiện nay, còn 13/30 quận, huyện chưa hoàn thành 100% hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai; 20 đơn vị chưa đảm bảo 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay” – Giám đốc Công an Hà Nội nói.
Theo ông Trung, công tác PCCC dù có một số chuyển biến nhưng chưa đạt chỉ tiêu mà HĐND thành phố giao là do một số ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC. Thậm chí còn coi công tác PCCC là của riêng lực lượng công an.
Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, lơ là, chủ quan, đặt mục tiêu lợi ích kinh tế lên trên hết.
Đề cập đến việc các hộ gia đình thực hiện mua sắm bình chữa cháy, trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết tỷ lệ này tương đối cao, trong thời gian tới tiếp tục sẽ đôn đốc. Tuy nhiên, nhiều gia đình rất khó khăn khi trang bị 2 bình chữa cháy.
“Do đó, tôi đề nghị các quận, huyện nếu có điều kiện thì mua sắm cấp phát cho người dân, xã hội hoá được thì xã hội hoá. Người ta ăn còn chẳng đủ làm sao tính đến chuyện mua bình chữa cháy”, Giám đốc Công an Hà Nội nói.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết qua rà soát, Hà Nội có 2.980 cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC.
Đến nay đã có 2.971 cơ sở đã cam kết lộ trình, thời gian khắc phục; 2.963 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.935 cơ sở đã được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết kế hoạch thực hiện; 733 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí; 146 cơ sở lập hồ sơ thiết kế; 114 cơ sở đã triển khai thi công; 91 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các nội dung PCCC.
Hiện còn 2 quận, huyện chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch cam kết, thực hiện theo lộ trình. Một số quận, huyện vẫn để xảy ra tình trạng sót lọt cơ sở trên địa bàn quản lý…
“So với chỉ tiêu thành phố giao năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% cơ sở (tương ứng với 2.086 cơ sở), hiện mới có 91 cơ sở hoàn thành (đạt 3,05%). Như vậy khả năng lớn năm 2024, các đơn vị không hoàn thành được các chỉ tiêu thành phố giao”, tướng Trung nói.