Sáng 27-12, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện bộ tài liệu tuyên truyền với chủ đề “Quản trị tốt nhằm phòng, chống tham nhũng trong các bệnh viện và cơ sở y tế công lập ở Việt Nam”.
Tại hội thảo, vấn đề đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế được nhiều đại biểu quan tâm. Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận nếu không huy động kit test COVID-19 trong tình huống khẩn cấp mà chờ đấu thầu thì việc chống dịch sẽ không thể thành công.
Kinh nghiệm ‘xương máu’ đấu thầu kit test
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM, đã chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” về đấu thầu kit test trong thời điểm chống dịch COVID-19.
Theo PGS Bắc, BV ĐH Y Dược TP.HCM nhận lệnh của TP tham gia vào BV hồi sức COVID-19, hàng ngày hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện xét nghiệm PCR cho 500-1.000 trường hợp.
Lúc này, BV đã mời nhiều công ty đến để đàm phán và tìm được đơn vị cung ứng kit test, cho mượn cả máy xét nghiệm PCR mà không cần phải đấu thầu để mua.
“Mùa dịch mà đấu thầu mua một loạt máy PCR thì sau dịch chúng ta dùng làm gì?” - PGS Bắc khẳng định và cho biết nhờ vậy mà BV đã tiến hành xét nghiệm được ngay vào ngày hôm sau, từ đó hàng tuần xét nghiệm PCR đến trên 8.000 mẫu, đáp ứng nhu cầu của TP lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau dịch, cơ quan thanh tra cho rằng BV ĐH Y Dược TP mua kit test này đắt hơn một loại khác khoảng 5.000 đồng/mẫu, chênh khoảng 1,67% giá trị, khiến BV bị ảnh hưởng.
PGS Nguyễn Hoàng Bắc nhìn nhận thời điểm đó, giá trị của kit test là cứu được người bệnh, đáp ứng nhu cầu của TP. Ông kiến nghị cơ quan xây dựng chính sách phải có góc nhìn khách quan, thực tế.
Cùng góc nhìn, PGS. TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho rằng cần đánh giá sự việc công khai, minh bạch nhưng cũng cần đánh giá vào thời điểm lịch sử.
“Thời điểm đó chúng tôi phải giải quyết vấn đề như thế, nếu không, bệnh nhân sẽ chết” – PGS Thanh nói và cho biết BV phải đi mượn thiết bị, hoá chất nhưng sau đó bị so sánh giá, trong khi đó rõ ràng sản phẩm được sản xuất đầu tiên phải đắt hơn sản phẩm ra sau.
PGS Thanh cũng cho rằng nếu đưa thuốc, vật tư y tế trả về giá trị thật thì sẽ không có tham nhũng. “Tại sao không đánh giá đúng giá trị kỹ thuật y tế, tính đúng, tính đủ, trả đúng, trả đủ, khi đó người ta đâu cần hoa hồng, xin - cho nữa..." – PGS Thanh nói và mong muốn “đưa tất cả về giá trị thực để không ai phải hối lộ ai cả”.
Đi taxi không dám nói giám đốc BV…
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho rằng việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế hiện đang gặp khó khăn vì phải làm sao cho đúng luật nhưng cần đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người dân, nhất là trong lúc nguồn cung trên thế giới rất khó khăn.
Theo PGS Hùng, nhiều thiết bị chỉ định thầu cũng không có được. “Van tim, bộ lọc máu cứu bệnh nhân, bây giờ đi tìm trên cả nước cũng không có, ban giám đốc nói chỗ nào có bán thì có thể sẵn sàng bỏ tiền túi mua cho anh em điều trị nhưng cũng không có” – TS Hùng nói.
PGS Hùng cũng cho biết thời điểm dịch bệnh, công ty bán khẩu trang N95 báo có 500 cái, nếu BV mua tiền mặt thì bán ngay, còn đấu thấu thì “khỏi”.
PGS Hùng mong Luật Đấu thầu mới có thể gỡ vướng vấn đề hiện nay để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm làm việc. Theo ông, phải “kiếm đỏ mắt” mới tìm được người làm trưởng phòng vật tư - thiết bị, BS có nhiều kinh nghiệm nhưng không nắm về kỹ thuật rất khó làm.
“Vị trí này cần phải có người có kinh nghiệm, chịu làm nhưng vì trách nhiệm lớn quá nên anh em không dám nhận. Ngay cả lập tổ đấu thầu, ép luôn trưởng phòng phải vào, giám đốc, phó giám đốc BV phải vào chỉ đạo” – ông Hùng chia sẻ và mong muốn có cơ chế hướng dẫn các BV đấu thầu cho đúng vì giám đốc BV nào cũng mong muốn làm đúng.
“Đi taxi cũng không dám nói giám đốc BV, vì lên taxi, tài xế chửi ngành y tế tơi bời, bảo giám đốc BV ăn quá trời ăn, dù từ lúc dịch bệnh, căng thẳng 24/24 giờ, 2-3 năm trời, không dám nghỉ ngơi” – PGS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.
Ông cũng mong rằng có cơ chế gỡ cho các BV và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khi xử lý vụ việc trong thời chiến thì lấy luật thời chiến để xử, không nên lấy luật thời bình để xử lý việc thời chiến.