Ngày 22-12, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam.
TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế công có diễn biến phức tạp. Các vụ việc tham nhũng với quy mô lớn, nhỏ diễn ra trên phạm vi cả nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bất cập của khung pháp luật về mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra trên phạm vi cả nước đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề, thanh tra chuyên đề diện rộng, thanh kiểm tra vụ việc về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế và thuốc chữa bệnh trong lĩnh vực y tế công ở Việt Nam.
Bên cạnh mục đích phát hiện và xử lý sai phạm thì hoạt động thanh tra còn nhận diện những lỗ hổng của chính sách, pháp luật, nhận diện những bất cập trong quản lý nhà nước, bất cập trong chỉ đạo điều hành, từ đó đề xuất chính sách pháp luật phù hợp.
TS Nguyễn Quốc Văn cho biết dưới góc nhìn từ thực tiễn hoạt động thanh tra, Viện CL&KHTT đã nghiên cứu xây dựng “Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam”.
Tại hội thảo, Ths Lê Văn Đức, Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra, báo cáo được nghiên cứu nhằm nhận diện các hạn chế chính sách pháp luật và đề xuất giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phòng ngừa ngăn chặn tham nhũng tiêu cực.
Công tác đấu thầu còn tồn tại nhiều vi phạm, nguyên nhân đến từ cả cơ chế chính sách, yếu tố con người và đặc thù của ngành y tế. Qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ, vi phạm về trình thủ tục đấu thầu mua sắm thể hiện ở hầu hết các đoàn thanh tra. Vấn đề nổi cộm là sự móc ngoặc của chủ đầu tư với nhà thầu và đơn vị thẩm định giá, dẫn đến tham nhũng tiêu cực.
Từ những vấn đề phát hiện qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị nhiều nội dung sửa đổi chính sách và đã được thể hiện trong Luật Đấu thầu 2023 vừa được Quốc hội thông qua.
Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực vào ngày 1-1-2024 dành riêng chương V quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết các vướng mắc như chủ động quyết định mua sắm thuốc, mô hình “máy đặt máy mượn”, cho phép mua sắm theo nước xuất xứ…
Luật cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm; đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ 1 hoặc 2 hãng sản xuất.
Nghị định 88/2023 mới ban hành tháng 12-2023 đã thể hiện nội dung phải công khai dữ liệu nhập khẩu từ cơ quan hải quan. Ông Lê Văn Đức đánh giá, điều này sẽ gỡ "nút thắt" cho các cơ sở y tế trong việc có căn cứ xác định giá, đàm phán giá.