Sáng 8-12, kỳ họp thứ 18 (kỳ họp cuối năm) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Trần Quốc Thẻo (đơn vị huyện Châu Thành) đặt vấn đề với Giám đốc Sở GD&ĐT: “Qua phản ánh, gần đây cho thấy tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các trường THCS, THPT diễn ra tương đối phức tạp. Theo Giám đốc, những nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên, hướng khắc phục để hạn chế tình trạng trên ra sao?”.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho rằng bạo lực học đường là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bà Hằng cho biết trên địa bàn tỉnh có tình trạng bạo lực học đường, nhưng không nhiều. Cụ thể, trong năm 2022 và năm 2023, Hậu Giang xảy ra bốn vụ bạo lực học đường, trong đó có ba vụ xảy ra ở độ tuổi học sinh THCS.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, các em ở độ tuổi từ 11-17 là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý; cạnh đó, các em có những suy nghĩ bồng bột và thích chứng tỏ bản thân. Do đó, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo và kích động xấu từ bên ngoài, khiến các em học theo, làm theo, dẫn đến nhận thức và hành động chưa đúng.
Bà Hằng cũng chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn đến xảy ra bạo lực học đường là do ảnh hưởng từ gia đình và xã hội. Cụ thể, khi ngành giáo dục tìm hiểu về gia đình các em vi phạm thì phát hiện hoàn cảnh các em rất “đặc biệt”.
Theo đó, có trường hợp cha mẹ lo làm ăn, thậm chí đi làm ăn xa, hay cha mẹ ly hôn, từ đó, các em sống với ông bà, người thân... Cũng có trường hợp các em học sinh sống trong gia đình bạo lực, từ đó, các em thiếu sự quan tâm, giáo dục, dẫn đến các bị ảnh hưởng và có tính hung hăng hơn.
“Về xã hội, việc các em tiếp xúc với văn hóa phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi có mang tính bạo lực, từ chỗ này cũng ảnh hưởng đến các em. Về môi trường sống, nếu ở địa phương các em thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng lêu lỏng, ăn chơi hoặc nơi có tệ nạn xã hội... cũng sẽ ảnh hưởng các em. Và khi vào trường các em có những hành động bạo lực” - bà Hằng chia sẻ thêm.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cũng thừa nhận một số trường chưa sâu sát, nắm bắt thay đổi tâm lý của các em học sinh thời điểm đó, cũng như việc xử lý tình huống vẫn còn chậm. Cạnh đó, nhà trường còn chú trọng việc dạy kiến thức cho học sinh mà thiếu việc quan tâm tư vấn tâm lý, dạy kỹ năng sống cho các em.
“Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa nhịp nhàng và hiệu quả, có tình trạng phụ huynh giao phó con em cho nhà trường, thậm chí khi các em vi phạm, nhà trường mời phụ huynh cũng không vào” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang giải thích thêm.
Về giải pháp hạn chế bạo lực học đường, bà Hằng cho biết sẽ chỉ đạo nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, trong đó có vấn đề bạo lực học đường cho các em học sinh. Cạnh đó, tăng cường việc giáo dục đạo đức để hoàn thiện về nhân cách cho các em, hướng các em có ý thức sống trách nhiệm hơn.
Mặt khác, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để góp phần phòng ngừa bạo lực học đường. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của các em học sinh, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại và bạo lực học đường cho các em học sinh.
“Về phía gia đình cũng cần tạo môi trường sống lành mạnh, yêu thương con cái và luôn là chỗ dựa đáng tin cậy để các em an tâm, sẵn sàng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của bản thân” - Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang.