Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Sẽ có cơ chế riêng về Metro bằng phát hành trái phiếu

(PLO)- TP.HCM dự kiến hoàn thành tuyến Metro số 1 trong năm 2023 để đưa vào khai thác năm 2024. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, tại phiên chất Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm ở kỳ họp lần thứ 10 HĐND TP.HCM khoá X, các đại biểu (ĐB) quan tâm về tiến độ tuyến Metro số 1.

ĐB Trần Quang Thắng mong được thông tin về việc phát hành thẻ vé, phòng cháy chữa cháy khi tuyến Metro số 1 đi vào vận hành. “Tuyến Metro số 1 có thể hoàn thành vào cuối năm 2023 như đã cam kết hay không?” - ĐB Thắng hỏi.

ĐB Trần Quang Thắng đặt câu hỏi về tuyến Metro số 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Trần Quang Thắng đặt câu hỏi về tuyến Metro số 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Đặng Trần Trúc Dao đã nhắc về khái niệm kinh tế giao thông mà Chủ tịch TP Phan Văn Mãi từng đề cập "giao thông phải đi trước, mở đường cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, phải tính toán làm kinh tế giao thông thay vì các dự án giao thông".

“Sở GTVT sẽ tham mưu và thực hiện quan điểm làm kinh tế giao thông như thế nào trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Song song đó, ông sẽ vận dụng quan điểm này như thế nào đối với các dự án trọng điểm của TP như tuyến Metro 1, Metro 2, Vành đai 3, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài?” - ĐB Dao nêu.

Cam kết hoàn thành Metro số 1 trong năm 2023

Trả lời ĐB, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết tuyến Metro số 1 là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hàng tháng và hàng quý.

Theo ông Lâm, các thủ tục liên quan tuyến Metro 1 đã thảo luận xong như việc điều chỉnh dự án, tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá chứng nhận an toàn. Ban Quản lý tuyến Metro số 1 đã báo cáo tiến độ khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và cam kết hoàn thành trong năm 2023.

ĐB Đặng Trần Trúc Dao đề cập đến kinh tế giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Đặng Trần Trúc Dao đề cập đến kinh tế giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Lâm cho biết TP đã xây dựng kế hoạch tuyến Metro số 1 đi vào khai thác năm 2024 và ban hành kế hoạch tổng thể để đảm bảo vận hành khai thác an toàn và hiệu quả.

Trong đó an toàn về khai thác, an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy, xử lý sự cố, hiệu quả về hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng giao thông kết nối... nhằm đảm bảo thời gian khai thác đúng tiến độ vào năm 2024.

Về thẻ vé của tuyến Metro, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết trước đây, hệ thống thẻ vé Metro số 1 được đầu tư theo công nghệ của Nhật Bản. Hiện công nghệ đang thay đổi rất nhanh và người dân TP mong muốn có công nghệ mở, tích hợp nhiều loại hình vận tải công cộng.

Do đó, Sở GTVT TP đã xem xét, thống nhất ứng dụng công nghệ thẻ vé mở như xu thế các nước trên thế giới. Với loại thẻ vé này, người dân có thể tự thực hiện các hình thức thanh toán qua điện thoại, các loại thẻ visa, master hoặc ứng dụng Zalo pay.

Đồng thời, TP hướng đến việc nghiên cứu giải pháp công nghệ, kỹ thuật quản lý để thẻ vé Metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến xe buýt, taxi, phương tiện đường thủy.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đáng chú ý, ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh việc phát triển hệ thống Metro sẽ giải quyết căn cơ bài toán giao thông TP. “Chúng ta không thể giải quyết căn cơ bài toán giao thông nếu như không có Metro” - ông Lâm nhấn mạnh và cho biết Bộ Chính trị đã định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện TP đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề án phát triển Metro tại TP. “Sắp tới chúng ta có thể xin được cơ chế riêng về Metro gắn với phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để ưu tiên Metro, làm sao đến năm 2035 cơ bản hoàn thành tuyến Metro” - ông Lâm nói.

Đấu giá thu hồi đất xung quanh nhà ga

Liên quan khái niệm kinh tế giao thông mà Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi từng đề cập, ông Trần Quang Lâm cho biết đây là khái niệm mới.

Theo ông Lâm, trong quá trình làm việc và tiếp cận với ngành giao thông của TP thì mới thấy nhu cầu của ngành giao thông rất lớn. Quy hoạch TP đã có nhưng đầu tư chưa đến 30% so với quy hoạch, nếu ngồi chờ ngân sách và PPP đầu tư sẽ chậm.

Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện Chủ tịch Phan Văn Mãi đã thành lập tổ nghiên cứu TOD do Sở QH&KT TP chủ trì và tổ triển khai thực hiện Nghị quyết 98 có giám đốc các sở tham gia để nghiên cứu chính sách.

“Chúng ta ưu tiên phát triển giao thông làm sao để kích thích phát triển kinh tế của khu vực và của vùng. Ngoài ra, cần làm sao để khi đầu tư có thể vay vốn, bỏ vốn trước nhưng có ngay nguồn thu để có lời, song song với việc kiểm tra các tuyến thì có ngay nguồn khai thác trực tiếp” - ông Lâm nói và cho biết đơn vị tư vấn của các nước cũng đã làm cách này.

Đối với các dự án rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, TP đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát quy hoạch dọc theo hai bên sông, nghiên cứu các kiểu dáng kè, bờ để điều chỉnh thiết kế đô thị cục bộ, tạo thêm được quỹ đất dọc tuyến sông.

Kế nữa, thực hiện TOD các trục xung quanh tuyến đường sắt đô thị và Vành đai 3. Theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, xuất phát từ quy hoạch chung, xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 và các tuyến khác, xung quanh nhà ga của Metro, TP sẽ rà soát lại

Với Nghị quyết 98, TP sẽ được thành lập dự án thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng độc lập và được điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy mô dân số để đảm bảo hạ tầng.

Trên cơ sở đó, TP sẽ rà soát quy hoạch xung quanh các nút giao nhà ga và xác định pháp lý những dự án có thể điều chỉnh quy hoạch. Từ đó, nghiên cứu lập dự án thu hồi đất, tạo đất sạch ở khu vực này và đấu giá thu hồi tạo quỹ đất, kêu gọi đầu tư. Như vậy, vừa phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông và khi đầu tư hạ tầng giao thông có thể phát huy hiệu quả.

TP.HCM 'nhiều sông nhưng trống đò'

Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Minh Đức đã đặt câu hỏi: “Liên quan phát triển du lịch đường thuỷ, đường sông nội địa, tôi thấy TP.HCM có nhiều sông nhưng trống đò. TP đã và đang có giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống tàu thuyền, bến thuyền, hướng đến phát triển du lịch đường sông, trên bến dưới thuyền?”.

ĐB Lê Minh Đức đặt câu hỏi về giao thông đường thuỷ. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Lê Minh Đức đặt câu hỏi về giao thông đường thuỷ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả lời ĐB, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết phát triển du lịch, giao thông đường thủy được TP xác định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Thực tế, giao thông thủy đóng vai trò lớn với việc chia sẻ hơn 20% lượng hành khách cho giao thông đường bộ.

Hiện vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm. TP cũng có các tuyến giao thông thủy đi Vũng Tàu, Bình Dương, các tuyến ngắn và một số tuyến du lịch ven sông.

“Nếu hỏi TP đã phát huy hết tiềm năng giao thông đường thủy chưa, thì phải phấn đấu rất nhiều. Để phát huy hết tiềm năng trên bến dưới thuyền, TP không chỉ cần dòng sông sạch đẹp, an toàn mà không gian hai bên bờ cũng phải chỉnh trang” - ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, để thu hút khách du lịch quốc tế đến hai bên bờ sông Seine, Paris, Pháp có lộ trình 15-20 năm phát triển. Tuy nhiên, đối với TP, việc chờ đợi lâu như vậy là điều không thể.

Do đó, Sở GTVT và Sở Du lịch đã họp bàn giải pháp phát triển giao thông thủy. Cụ thể, TP đã lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 với ít nhất năm tuyến giao thông thủy sẽ được hình thành về Bình Dương, Cần Giờ, khu Bến Đình - Bến Dược (huyện Củ Chi), dọc hai bên bờ sông Sài Gòn cần có thêm khu neo đậu, bến thuyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm