Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Nghiên cứu tuyến Metro kết nối với Cần Giờ

(PLO)- Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết cùng với cầu Cần Giờ, TP sẽ nghiên cứu xây dựng các cầu khác trên đường Rừng Sác, nút giao thông nối đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường sắt đô thị kết nối huyện Cần Giờ...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-7, tại kỳ họp lần thứ 10 HĐND TP.HCM khoá X, các đại biểu (ĐB) đã chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm.

Tại phiên chất vấn, ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm đề nghị ông Trần Quang Lâm cho biết tiến độ xây dựng, thời điểm khởi công dự án cầu Cần Giờ.

ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm nêu ý kiến về cầu Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm nêu ý kiến về cầu Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo bà, dự án này đã được HĐND TP bổ sung vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, được làm thủ tục ghi vốn từ năm 2022, là dự án trọng điểm phát triển Cần Giờ cũng như phát triển TP.HCM ra hướng biển, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, người dân huyện Cần Giờ qua bao thời kỳ.

Trả lời ĐB, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết huyện Cần Giờ có lợi thế thuận lợi để triển khai giao thông xanh, TP hiện đại du lịch, trong đó giao thông phải đi trước.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với cầu Cần Giờ, ông Lâm khẳng định đây là công trình lớn, TP.HCM đã thi tuyển kiến trúc cách đây nhiều năm. Hiện TP đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ bản đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi, tổ chức đấu thầu, có đơn vị tư vấn cũng như xin ý kiến các sở ngành.

Ông Lâm cũng cho biết hiện tổng mức đầu tư dự án cầu Cần Giờ trên dưới 10.000 tỉ đồng, trước đây TP dự kiến kêu gọi theo hình thức PPP nhưng hiện nay Sở đang nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT, BT hoặc đầu tư công.

“Sở GTVT đang phối hợp với huyện Cần Giờ, Nhà Bè rà soát lại lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, phấn đấu trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay” – ông Lâm nhấn mạnh và cho biết tương tự như dự án Vành đai 3, cầu Cần Giờ sẽ tách bồi thường giải phóng mặt bằng ra làm riêng, làm trước vì đây là công trình phấn đấu khởi công vào dịp 30-4-2025.

Đáng chú ý, trong đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tư lệnh ngành GTVT TP cho biết sở này đã đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát lại hạ tầng giao thông huyện Cần Giờ.

Qua đó, cùng với việc đầu tư cầu Cần Giờ sẽ nghiên cứu mở rộng thêm các cầu khác trên đường Rừng Sác vì đường ở đây lớn và đẹp nhưng cầu rất hẹp.

Sở cũng đang nghiên cứu đầu tư nút giao thông kết nối đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành để phát huy hiệu quả giao thông khi Vành đai 3 đi vào khai thác. Đồng thời, nghiên cứu rà soát lại đường sắt đô thị kết nối vùng và đường sắt đô thị kết nối huyện Cần Giờ.

Giao thông TP.HCM có nhiều tín hiệu lạc quan

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nhận định trong những năm gần đây, TP.HCM có nhiều tín hiệu vui trong lĩnh vực giao thông. Theo ông, giao thông TP đã và đang đảm bảo được duy trì phát triển kinh tế, đặc biệt là với vai trò của vùng Đông Nam Bộ.

“Kể cả trong thời điểm chống dịch đến khi quay lại phát triển kinh tế, giao thông luôn đóng vai trò quan trọng giống như mạch máu trong tổ chức, chúng ta là đầu mối giao thông lớn của vùng và cả nước” - ông Lâm khẳng định.

Thông tin về tình hình chung, ông Lâm cho biết TP.HCM có hệ thống cảng biển lớn, sản lượng khoảng 167 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng cả nước và 50% sản lượng vùng Đông Nam Bộ.

Về hàng không, TP có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón khoảng 40 triệu khách/năm. Về trật tự an toàn giao thông, TP.HCM giảm sâu số vụ, số người bị thương và số người chết.

“Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức đồng lòng của người dân” - ông nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm