Ngày 12-6, Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc phỏng vấn với Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng để làm rõ những vấn đề xung quanh vụ tranh luận về việc phát hiện chất phenol trong mẫu 30 tấn cá nục của cơ sở bà Lê Thị Thuộc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).
ông Võ Văn Hưng (Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Báo Quảng Trị.
. Phóng viên: Ông có thể nói rõ về việc khuyến cáo của ngành y tế rằng chất phenol là cực độc nhưng ngành nông nghiệp bên các ông lại nói cần xem lại?
+ Ông Võ Văn Hưng: Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) thì hiện tại cái này (phenol) chưa được quy định trong ngành nông nghiệp.
Tất nhiên cái gì vượt ngưỡng cũng chắc chắn là sẽ gây hại, chất gì cũng thế. Mình sử dụng quá liều lượng thì ngay cả chất tốt cho sức khỏe cũng sinh ra gây hại. Phenol cũng thế, ngay cả trong nước biển cũng quy định là 0,03 mg/kg. Còn cái này kiểm tra tại kho bà Thuộc thì phát hiện 0,037 mg/kg, nhưng vấn đề là nó có vượt ngưỡng trong thực phẩm không? Theo tiêu chí nào?
Hiện tại chưa có cái quy định này nên cơ quan chuyên môn là sở y tế nên kiểm định lại và công bố cái tiêu chuẩn cụ thể.
.Tiêu chí đó nghĩa là trong thực phẩm thì hàm lượng phenol là bao nhiêu thì được phép còn bao nhiêu là độc, thưa ông?
+ Đúng rồi. Tức là phải có cái tiêu chuẩn đó để biết được nó có vượt ngưỡng không. Nếu vượt ngưỡng thì khi đó mới có thể quy kết được là nó cực độc hay không độc. Bởi vì có một số kim loại nặng hắn cũng có cái ngưỡng của hắn. Chẳng hạn, với tiêu chuẩn bao nhiêu thì được và trên bao nhiêu thì không được, là cấm. Ý của tôi hôm qua tranh luận là như thế.
Chất gì nó cũng phải có cái ngưỡng để quy định là độc hại hay được phép sử dụng trong một hàm lượng nhất định. Những cái gì nằm dưới ngưỡng cho phép thì có thể nó an toàn. Nó phải được định lượng cụ thể.
.Vậy hướng xử lý sắp tới sẽ thế nào?
+ Trong kho đó có 110 tấn nhưng cá nục thì chỉ có một lô này khoảng 30 tấn là có mẫu xét nghiệm có hàm lượng phenol như vậy. Nên chúng tôi đã lập biên bản, niêm phong lại và tiếp tục đi kiểm định lại tiếp. Cái này sở y tế sẽ lấy mẫu lại để gửi đi kiểm định tiếp. Hai nữa là phải so với tiêu chí, nếu hàm lượng phenol nó vượt ngưỡng (theo quy định cụ thể) thì chúng ta phải tiêu hủy. Cái gì cũng vậy, đã đưa ra thị trường thì phải đảm bảo an toàn.
Cá nục được thu mua và phơi sấy tại Quảng Trị. Ảnh: Trung Giang.
. Ông đánh giá như thế nào về những thông tin cực độc vừa qua?
+ Mình nghĩ thế này, đưa ra thông tin gì cũng cần phải có căn cứ. Anh phải đưa ra được tiêu chí hàm lượng bao nhiêu, căn cứ văn bản nào? Hai nữa là ngưỡng bao nhiêu thì đảm bảo và bao nhiêu thì độc hại.
Cái này mình nghĩ là trách nhiệm của ngành y tế và đồng hành với ngành nông nghiệp để làm. Bất kỳ thông tin nào đưa ra mà ảnh hưởng đến đời sông ngư dân thì cũng cần phải thận trọng, khi mình tiên lượng rằng những thông tin đó có thể ảnh hưởng đến xã hội thì cần phải có sự bàn bạc để xem nó đã chắc chắn chưa trước khi công bố. Thông tin là cần thiết phải nhanh, phải đảm bảo nhưng chúng ta phải kiểm định lại để chính xác. Sự thận trọng là cần thiết để không tác động đến đời sống người dân.
.Các ông kiểm tra bằng cách nào, có dùng máy móc kiểm nghiệm hay không?
+ Không. Ở tỉnh thì chỉ có sở khoa học công nghệ có máy, còn mình đi kiểm định thì đều gửi mẫu về các cơ quan trung ương có chức năng. Mình gửi mẫu thì trong vòng 10 ngày là có kết quả. Đến thời điểm này bên ngành nông nghiệp đã gửi đi tất cả 36 mẫu và đã xác định là cá an toàn và tất cả các mẫu đều nằm dưới mức cho phép, đảm bảo. Cái này là có cơ quan thẩm quyền kiểm nghiệm.
Chiều 11-6, đã cuộc tranh luận giữa Sở NN&PTNT, Sở Y tế cùng các ngành liên quan về hàm lượng Phenol 0,037 mg/kg trong mẫu 30 tấn cá nục của bà Lê Thị Thuộc. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho rằng, phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm. Trong cuộc làm việc này, ông Võ Văn Hưng (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị) đã có những tranh luận với Sở Y tế và cho rằng: “Cần làm rõ liều lượng phenol như thế nào thì bị cấm chứ không thể cứ nói phenol là cực độc và không được sử dụng trong thực phẩm”. |
.