Công tác chuyển đổi số của Thanh Hóa đã và đang dần đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những khâu đột phá đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn 97,61%
. Phóng viên: Chuyển đổi số ở Thanh Hóa thời gian qua nhận được sự ủng hộ lớn từ Trung ương, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ những kết quả trong công tác này của tỉnh nhà?
+ Ông Đỗ Hữu Quyết: Thanh Hóa chuyển đổi số tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công… Mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.
Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực. Qua đó, góp phần cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới DN và người dân được nhanh chóng, hiệu quả.
Đến nay Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Thanh Hóa cũng thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử ở tất cả các cấp.
Hiện, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, xã có hơn 85.000 tài khoản đăng ký với hơn 27,6 triệu lượt truy cập. Cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng thời tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia hơn 1.200 dịch vụ.
Cùng đó, tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn của tỉnh đạt 97,61%.
Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh cũng đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tỉ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28%.
Thanh Hóa có khoảng 6.500 DN đã tiếp cận và sử dụng nền tảng số, trong đó một số DN đã tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ đạo của người dân, DN.
Chuyển đổi số thấy rõ mức độ hoàn nhiệm vụ từng sở ngành, địa phương
. Vậy quá trình chuyển đổi số của Thanh Hóa có gặp khó khăn gì trong chuyển đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số?
+ Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Khó khăn nhất của chuyển đổi số hiện vẫn là nhận thức, tư duy của người dân, DN. Vì thế muốn đạt được kết quả thì phải chuyển đổi số một cách toàn diện, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thận trọng, khoa học, bài bản và nhất là cần có sự bền bỉ, lâu dài.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Thanh Hóa bước đầu đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cũng như hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở địa phương.
. Vậy nhiệm của các sở, ngành địa phương ở Thanh Hóa trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ra sao, thưa ông?
+ Chuyển đổi số đang ngày càng thực chất và có hiệu quả hơn, giúp lãnh đạo các cấp giám sát tốt hơn quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ được giao nhiệm vụ.
Quá trình chuyển đổi số đã góp phần quan trọng trong triển khai, kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả. Ở cấp nào, khâu nào chậm trễ thì lãnh đạo các ngành, địa phương đều nắm được và có những chỉ đạo kịp thời nhằm đôn đốc, xử lý, tháo gỡ nếu có khó khăn, vướng mắc.
Việc thực hiện nhiệm vụ cũng được gắn với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương nếu thiếu đôn đốc, kiểm tra, xử lý những đầu việc mà tỉnh giao.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng chính là công cụ giúp người dân, DN tăng cường các hoạt động giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Giảm được nạn trì trệ, quan liêu, dám chấp nhận và nhìn thẳng vào vấn đề để thay đổi, giúp cơ quan công quyền phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.
Chuyển đổi số sẽ thu hút DN đầu tư kinh tế số
. Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một khâu đột phá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao. Vậy vấn đề hạ tầng số liệu đã đáp ứng được những yêu cầu căn bản của các nhà đầu tư nước ngoài?
+ Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách mới về thu hút đầu tư sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58, Nghị quyết 37, Chương trình hành động của Chính phủ cũng như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh cũng đã có những chương trình hành động cụ thể để thu hút doanh nghiệp FDI quan tâm đầu tư ở địa phương, đặc biệt là các DN đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Thanh Hóa xác định để chuyển đổi số thành công, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN thì hạ tầng số luôn là khâu được quan tâm trước hết và trên hết.
Thời gian qua, hạ tầng số từ hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin đến nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu... đang được tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, tăng khả trao đổi giữa các cơ quan chức năng.
Hiện, tỉnh đang ưu tiên các lĩnh vực sản xuất thân thiện môi trường, đô thị thông minh, kinh tế số, công nghiệp bán dẫn, y tế… góp phần đưa Thanh Hóa thành trung tâm đổi mới sáng tạo, để các DN trong nước và nước ngoài yên tâm khi đến đầu tư.
. Xin cám ơn ông!
Việc chuyển đổi số đã góp phần làm giảm các chi phí in ấn hồ sơ, tài liệu. Điều này có thể thấy rõ qua các kỳ họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa không giấy tờ thay vì sử dụng nhiều văn bản cồng kềnh như trước đây.
Chuyển đổi số còn góp phần công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm thiểu tình trạng tham nhũng vặt.
Ông ĐỖ HỮU QUYẾT, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa