Mới đây, TP.HCM đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính phủ số xuất sắc nhờ những kết quả nổi bật trong triển khai các chiến lược và giải pháp kỹ thuật số của TP.HCM nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân; công khai, minh bạch hoạt động chính quyền.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh khẳng định câu chuyện chính quyền số mà người dân hướng đến chỉ có hai việc là cung cấp dịch vụ công tốt nhất và công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền.
TP.HCM đi đầu cả nước về số hóa
. Phóng viên: Để đạt được giải thưởng ASOCIO 2023, chính quyền TP.HCM đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Cụ thể ra sao, thưa bà?
+ Bà Võ Thị Trung Trinh: TP.HCM đã đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh đến năm 2030 với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Việc này đã được hiện thực hóa từng ngày với rất nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong xây dựng chính quyền số.
Cụ thể, TP.HCM đã triển khai và ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với quy mô toàn TP. Hệ thống được triển khai đồng bộ, liên thông và thống nhất tất cả sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức.
Đồng thời, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống định danh người dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các TTHC được nhanh chóng.
TP.HCM cũng phát triển Kho dữ liệu dùng chung với phương châm dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số, hình thành các dịch vụ thông tin hữu ích phục vụ người dân, DN và cán bộ trên địa bàn.
Đáng chú ý, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa bốn loại sổ hộ tịch, gồm sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với khoảng 12 triệu hồ sơ. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ cấp bản sao trích lục các loại giấy tờ trên cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu.
TP.HCM đã và đang xây dựng các cơ sở dữ liệu về y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, đất đai - đô thị, tài chính - DN và dữ liệu liên quan đến người dân… phục vụ cho công tác quản lý của các ngành tại TP.
Một điểm nổi bật của TP.HCM tại lễ trao giải thưởng ASOCIO được các nước khen ngợi là việc triển khai hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022. Đây là hệ thống giúp lãnh đạo TP và các đơn vị tra cứu, giám sát cũng như theo dõi chất lượng, tình hình xử lý từng phản ánh kiến nghị... Thông qua hệ thống, lãnh đạo TP còn có thể giám sát, đánh giá tổng thể và toàn diện về kinh tế - xã hội, phát hiện các vấn đề nóng cần tập trung để kịp thời đưa ra các định hướng, quyết định và hành động phù hợp.
Cần được tiếp cận cơ chế “một cửa” đúng nghĩa
. Vậy thời gian tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh chính quyền số ra sao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số?
+ Mục tiêu của TP.HCM trong chuyển đổi số là nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện TTHC và các dịch vụ công về y tế, giáo dục, đô thị, an ninh trật tự…
TP.HCM cũng hướng đến việc làm sao để người dân, DN được tiếp cận “một cửa” đúng nghĩa trên hệ thống. Các ứng dụng công nghệ phải giải quyết được các nhu cầu của người dân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ứng dụng đó.
Với tinh thần đó, TP.HCM sẽ điều hành nền hành chính của TP trên nền tảng số, tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
TP.HCM luôn hướng đến việc làm sao để người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ dễ dàng, thuận lợi nhất và phải xoay quanh nhu cầu, lợi ích của họ.
TP.HCM sẽ tiếp tục đưa vào vận hành thống nhất, hoàn thiện theo kế hoạch Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân, DN có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, TP cũng tiếp tục triển khai ứng dụng di động thống nhất phục vụ người dân, DN; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc thành lập Trung tâm Chuyển đổi số của TP.HCM trong thời gian tới cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh…
Tôi cho rằng từ thực tiễn cho thấy TP.HCM đang rất cần đổi mới phương thức quản trị TP trong tình hình mới và từ đó tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của TP trong tương lai.
Để làm được những điều này, yếu tố quan trọng hàng đầu là cần có sự đầu tư nguồn lực, sự tham gia của toàn bộ máy chính quyền trong tạo lập, duy trì, khai thác và phát triển dữ liệu TP trong chiến lược quản trị dữ liệu của TP, đặc biệt là tập trung cho các dữ liệu nền tảng về người dân, DN và quản lý đô thị.
ASOCIO là giải thưởng uy tín của Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương, được trao cho các chính phủ và tổ chức chính phủ đã có những đóng góp xuất sắc trong triển khai chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.
Năm 2023, giải thưởng ASOCIO được trao cho 52 đơn vị đến từ chín quốc gia và vùng lãnh thổ với tám nhóm. Cụ thể, Công ty công nghệ xuất sắc; Chuyển đổi số; Chính phủ số; Công nghệ giáo dục; Công nghệ y tế; An ninh mạng; Quản trị môi trường, xã hội và DN; Khởi nghiệp.
Không bỏ rơi bất kỳ người dân nào
. Vậy để hướng đến chính quyền số thành công, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng ra sao?
+ Để xây dựng chính quyền số, tôi cho rằng có ba yếu tố là hạ tầng số (bao gồm dữ liệu số), con người và cơ sở pháp lý.
TP.HCM luôn xác định tất cả ứng dụng công nghệ thông tin phải luôn hướng đến việc làm sao để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi nhất và phải xoay quanh nhu cầu, lợi ích của họ. Cùng với đó, phải đảm bảo công khai, minh bạch để người dân tin tưởng vào những cách làm của chính quyền TP, bởi người dân tin tưởng thì mới thực hiện.
Ngoài ra, để triển khai thành công, TP cần phải có công dân số. Hiện TP.HCM đã lập hơn 2.600 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 11.000 thành viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân. Làm sao để không bỏ rơi bất kỳ người dân nào trong việc tiếp cận các dịch vụ của một chính quyền số.
TP.HCM cũng cần đội ngũ công chức số, do đó cán bộ, công chức TP.HCM càng phải được đào tạo, đi đầu trong việc này và kết nối với người dân, DN.
Riêng về dữ liệu, TP.HCM sẽ tập trung tạo lập cơ sở dữ liệu của người dân, quản lý hạ tầng đô thị và hoạt động DN, giúp đẩy mạnh hoạt động chính quyền. Bởi bộ máy chính quyền là địa chỉ sẽ tương tác nhiều nhất với ba đối tượng này.
. Xin cảm ơn bà.
Số hóa quy trình, cắt bỏ khâu trung gian
Để xây dựng chính quyền số, chúng ta cần tập trung cải cách TTHC trước. Phải số hóa quy trình, làm sao cho quy trình hành chính được đơn giản, tinh gọn, hiệu quả, bỏ bớt các khâu trung gian, hướng đến việc thực hiện TTHC trên môi trường số, tái sử dụng dữ liệu để đăng ký cũng như xử lý quy trình tinh gọn hơn.
Việc này đòi hỏi sự đồng bộ, sự tham gia của toàn bộ cơ quan quản lý nhà nước tại TP, trong đó vai trò nòng cốt là bốn đơn vị gồm Sở TT&TT, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Văn phòng UBND TP.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM VÕ THỊ TRUNG TRINH