3 năm và những nỗ lực thực hiện chính quyền đô thị của TP.HCM

3 năm và những nỗ lực thực hiện chính quyền đô thị của TP.HCM

(PLO)- Thực hiện chính quyền đô thị, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định phân cấp xuống các sở, ngành, quận, huyện; tổ chức đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Sáng nay (13-10), TP.HCM tổ chức tổng kết ba năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 về thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (gọi tắt là Nghị quyết 131).

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị không thí điểm. Đây được xem là cơ hội lớn để TP.HCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.

chinh-quyen-do-thi-1.JPG
Cán bộ tại TP.HCM nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Trong báo cáo đánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết 131 gửi Bộ Nội vụ hồi cuối tháng 6, UBND TP.HCM cho biết TP đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt.

Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.

Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP được sắp xếp tinh gọn, không còn để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực quản lý; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

chinh-quyen-do-thi-9.jpg
TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền TP được tăng cường. Quyền làm chủ của người dân được bảo đảm và phát huy; huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho sự phát triển bền vững của TP.

Qua đó, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

TP.HCM cũng nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo phù hợp. Ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi.

Nhìn chung, công tác thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra, việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn.

chinh-quyen-do-thi-2.JPG
Thực hiện chính quyền đô thị nhằm tinh gọn, đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân của chính quyền

Thực hiện Nghị quyết 131, TP.HCM không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND, Chủ tịch UBND quận, phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.

Mục tiêu là nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.

Trên tinh thần đó, từ năm 2021 đến nay HĐND TP đã tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát; tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, ngành, giới; đối thoại doanh nghiệp; giám sát chuyên đề.

Trong đó, nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội và vai trò của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành tổ chức thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của cấp ủy, UBND cấp trên…

chinh-quyen-do-thi-8.jpg
Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của đại biểu HĐND TP.HCM khi thực hiện chính quyền đô thị. Ảnh: HÀ THƯ

Kinh tế ổn định trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 131

Trong ba năm thực hiện Nghị quyết 131, kinh tế TP.HCM tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu, các nguồn lực xã hội được phát huy, ổn định kinh tế vĩ mô; các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đặc biệt là thông tin truyền thông và y tế ngày càng phát triển, chăm lo tốt đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân; thực hiện tốt phát triển nguồn lực, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chăm lo cho gia đình chính sách, việc chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực.

TP.HCM cũng chú trọng tổ chức các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, các nội dung đều đạt được hiệu quả về chất lượng, sự đồng thuận, thu hút sự quan tâm tham gia của doanh nghiệp trên địa bàn TP…

UBND TP.HCM cũng đã nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong đó đã tập trung chỉ đạo tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định; tập trung giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Có giải pháp theo dõi tiến độ tham mưu, đề xuất giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền để kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc; thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu…

UBND quận, phường thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm trực tiếp nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, kiến nghị của người dân về xây dựng chính quyền.

Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị và những vấn đề bức xúc, chính đáng của người dân theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết; nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân của chính quyền và người đứng đầu chính quyền, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ.

Quận, phường cũng nỗ lực giải thích cho người hiểu, nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của chính quyền các cấp; những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Từ đó, người dân có sự đồng cảm, chia sẻ, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin, sự thống nhất tư tưởng chính trị, đồng thuận xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân.

chinh-quyen-do-thi-7.JPG
Công chức Tư pháp - Hộ tịch tại quận Bình Tân được uỷ quyền ký sao y - chứng thực. Ảnh: LÊ THOA

Một trong những kết quả đáng chú ý khi thực hiện Nghị quyết 131 là UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định phân cấp trên một số lĩnh vực như tài chính, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, tài nguyên và môi trường, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng, công thương.

UBND TP còn xây dựng đề án về ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.

Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian không phải trình qua UBND TP, Chủ tịch UBND TP nên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch chứng thực, đến nay đã có 150/249 phường, chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực giấy tờ, văn bản.

Nhiều tồn tại, hạn chế do lần đầu thực hiện

Tuy vậy, UBND TP.HCM cũng xác định những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực phát sinh khi quá trình thực hiện chính quyền đô thị. Gồm lĩnh vực nội vụ, tư pháp, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, quy hoạch - kiến trúc, thanh tra…

UBND TP.HCM nhìn nhận các văn bản pháp luật khác (ngoài Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021) vẫn chưa được điều chỉnh một cách hệ thống, đồng bộ, chưa có quy định cụ thể để hỗ trợ cho việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại các địa phương được Quốc hội cho phép thực hiện.

chinh-quyen-do-thi-6.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tổ ĐBQH đơn vị 9 tiếp xúc với cử tri quận 7, chiều 10-10. Ảnh: HÀ THƯ

Hơn nữa, TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện ngay tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) nên bước đầu của quá trình triển khai thực hiện, TP cũng gặp không ít lúng túng.

Số lượng công chức tại TP.HCM chưa phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc từng vị trí việc làm, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách, do đó UBND quận, phường khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn (khác với nhiệm vụ, quyền hạn đơn vị dự toán ngân sách như sở, ngành); không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng, tăng thu ngân sách (nếu có).

Trường hợp có phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND TP, HĐND TP xem xét, giải quyết; cần có thời gian giải quyết kinh phí nên thiếu tính kịp thời và chủ động.

Ngoài ra, tình hình dịch COVID-19 tại TP giai đoạn này cũng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị phải thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp thành làm việc trực tuyến hoặc tạm dừng triển khai một số hoạt động nhất định…

Đảm bảo vai trò giám sát

Trước Hiến pháp năm 2013, trong hệ thống pháp luật không hề có khái niệm “chính quyền địa phương” mà đơn vị hành chính sẽ gồm UBND và HĐND. Sau khi có Hiến pháp năm 2013 và đến khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì khái niệm này mới bắt đầu có trong đời sống xã hội.

Hiện, TP.HCM đang xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng là mô hình mang tính chất chung chứ chưa có mô hình riêng, có Hà Nội là có Luật Thủ đô.

Trước đây, trong giai đoạn 2009-2014, TP.HCM đã là một trong 10 địa phương thực hiện mô hình không có HĐND quận, phường. Sau khi tổng kết, TP.HCM tiếp tục thực hiện mô hình này từ năm 2021 đến nay. Trong thời gian thực hiện, vai trò giám sát việc triển khai các quy định, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn được phát huy.

Năm 2013, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định 217, 218 và sau đó có nhiều quy định khác góp phần phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Như vậy, dù không có HĐND TP nhưng việc thực hiện giám sát thông qua MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đại biểu Quốc hội, HĐND TP vẫn đang được triển khai.

Hiện nay mô hình đang trong quá trình thực hiện, TP sẽ đánh giá và chọn những mô hình hiệu quả, tối ưu, làm sao phát huy quyền làm chủ người dân nhưng việc thực hiện phải đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả; vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

TRẦN KIM YẾN, ĐBQH TP.HCM (trả lời cử tri quận 3)

---------

Quan trọng là phân quyền đến đâu

Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện là cơ sở pháp lý chung áp dụng cho cả nông thôn và đô thị. Xin cơ chế đặc thù là việc không thể không làm trước đòi hỏi cấp bách của quản lý đô thị. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù dành cho các đô thị Việt Nam nói chung đều không đạt được tầm cơ chế, chính sách mà chỉ là sự cho phép rất nhỏ lẻ của trung ương về một nội dung quản lý nào đó.

Nó chỉ đặc thù so với quy định đồng nhất, cào bằng chứ không đặc thù so với yêu cầu quản lý đặc thù của đô thị. Vì vậy, từ cái đặc thù nhỏ lẻ này sẽ phát sinh nhu cầu đặc thù nhỏ lẻ khác và địa phương bị cuốn vào việc xin hết cơ chế đặc thù này đến cơ chế đặc thù khác.

Do đó, nếu Quốc hội ban hành một luật riêng về chính quyền đô thị hay sửa đổi chế định chính quyền đô thị trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì đều phù hợp.

Có thể nói đó là thành quả từ những nỗ lực rất lớn của chính quyền các đô thị lớn nói chung và TP.HCM nói riêng trong việc thuyết phục trung ương. Tuy nhiên, thể chế lập pháp về chính quyền đô thị phân quyền được đến đâu cho chính quyền đô thị mới là vấn đề trọng yếu.

Nếu đơn giản chỉ là sự gom góp các nội dung đặc thù đô thị bao lâu nay và đưa vào luật thì cũng khó làm nên chuyện. Với mô hình tổ chức quyền lực ở nước ta thì luật hay nghị quyết cũng chỉ là tương đối, quan trọng nhất vẫn là câu chuyện được phân quyền đến đâu.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Đại học Luật TP.HCM

Đọc thêm