Chính quyền đô thị ở TP.HCM: Quan trọng vẫn là được phân quyền đến đâu

Chính quyền đô thị ở TP.HCM: Quan trọng vẫn là được phân quyền đến đâu

(PLO)- Với mô hình tổ chức quyền lực ở Việt Nam hiện nay thì việc ban hành luật hay nghị quyết về chính quyền đô thị chỉ là tương đối, quan trọng vẫn là việc được phân quyền đến đâu.

TP.HCM đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế để việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM (Nghị quyết 131) có thể phát huy hết hiệu quả, đúng như kỳ vọng của chính quyền và người dân TP.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với TS Nguyễn Thị Thiện Trí (ĐH Luật TP.HCM) về hướng ra cho các vướng mắc mà CQĐT tại TP đang gặp sau hơn một năm thực hiện.

Nghị quyết 131 đáp ứng được mong đợi

. Phóng viên: Theo dõi đề xuất việc thực hiện CQĐT tại TP.HCM từ những ngày đầu, đến nay bà nhận thấy TP.HCM đã thực hiện mô hình này ra sao?

+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: Mô hình CQĐT TP.HCM từ Nghị quyết 131 là kết quả của một quá trình đấu tranh, kiến nghị bền bỉ của chính quyền TP trước những bức bách của thực tiễn quản lý địa phương.

Sự ra đời của Nghị quyết 131 bước đầu đáp ứng được mong đợi của chính quyền, người dân TP về một sự chuyển đổi mà có vẻ như rất CQĐT. Đây có thể được xem là dấu ấn ban đầu về thể chế cho thấy có sự chuyển biến trong quan điểm về mối quan hệ trung ương - địa phương theo hướng mở hơn so với trước đây.

Về hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 131 tại TP.HCM, có thể nói với tầm chính sách còn giới hạn của nghị quyết, thời gian thực hiện chưa đủ dài so với nhu cầu sắp xếp bước đầu về bộ máy chính quyền thì những gì TP.HCM đã và đang làm được cho thấy sự nỗ lực rất lớn của chính quyền TP.

Kỳ vọng thì rất nhiều nhưng hiệu quả đến đâu thì nó không được quyết định ở những quyết sách điều hành cụ thể của chính quyền TP mà ở tổng thể thể chế, chính sách về CQĐT TP.HCM, trong đó Nghị quyết 131 là một phần quan trọng.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí (ĐH Luật TP.HCM).
TS Nguyễn Thị Thiện Trí (ĐH Luật TP.HCM).

. Khi thực hiện CQĐT, quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách. Chính điều này đã khiến các địa phương không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công mà phải chờ HĐND TP phê duyệt. Bài toán này liệu nên giải như thế nào, thưa bà?

+ Khi áp dụng mô hình CQĐT “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính” thì quận, phường không còn là cấp ngân sách. Điều này là phù hợp, bảo đảm quận, phường chỉ là bộ máy hành chính được xác lập trên các lãnh thổ hành chính, từ đó đạt được tính thống nhất, xuyên suốt trong quản lý đô thị.

Tuy nhiên, việc không còn là cấp ngân sách khiến các quận, phường bị động, chậm trễ và khó khăn trong điều hành một số nhiệm vụ liên quan đến ngân sách. Những vướng mắc này là đương nhiên khi bước đầu áp dụng mô hình mới, một phần là do sự cứng nhắc của Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021. Một nguyên nhân nữa là do chưa có sự chuẩn bị, dự liệu của chính quyền TP.HCM (cả TP Đà Nẵng, TP Hà Nội đều thế) khi triển khai mô hình CQĐT.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết đòi hỏi sự chủ động của chính quyền TP trong cách làm liên quan đến phân bổ, phê duyệt, quyết toán ngân sách địa phương. Ngoài ra, có thể đề nghị trung ương cho phép các quận được dự phòng ngân sách như là một cấp ngân sách để được chủ động hơn.

Cần quyết tâm đổi mới của lực lượng chủ chốt

. Vậy còn vấn đề biên chế được cho là “vừa thừa vừa thiếu” tại TP.HCM sau khi thực hiện các quy định của trung ương liệu có lối ra?

+ Nhân sự hành chính là một nội dung lớn của CQĐT nhưng lại không được đề cập trong Nghị quyết 131 cũng là một bất cập.

Khi chuyển đổi sang mô hình CQĐT, nhân sự hành chính xã, phường CQĐT TP vẫn theo quy định của Nghị định 34/2019. Do đó chuyện thừa chỗ này, thiếu chỗ kia sẽ xảy ra.

Về vấn đề này, thiết nghĩ có thể áp dụng hai giải pháp. Một là, tiếp tục đề xuất trung ương cơ chế chủ động về nhân sự cho TP ở cả số lượng biên chế và chế độ, chính sách mềm. Hai là, tiếp tục áp dụng giải pháp tại chỗ như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt nhu cầu nhân sự hành chính.

Nghị quyết chính quyền đô thị tại TP.HCM được xem là dấu ấn chuyển biến trong quan điểm về mối quan hệ trung ương và địa phương. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Nghị quyết chính quyền đô thị tại TP.HCM được xem là dấu ấn chuyển biến trong quan điểm về mối quan hệ trung ương và địa phương. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

. Theo bà, làm sao để giải quyết căn cơ những vấn đề mà CQĐT đã đặt ra, để thực sự đạt như kỳ vọng?

+ Khó khăn của TP.HCM và các đô thị lớn hiện nay cũng là khó khăn của hơn 30 năm qua, được quyết định trước hết và chủ yếu bởi thể chế chung, đồng nhất và chưa hướng về địa phương của pháp luật về chính quyền địa phương.

Với truyền thống pháp lý và thực tiễn pháp lý nước ta hiện nay, để làm nên một thể chế vượt trội, giúp CQĐT tỏa sáng thì cần có lộ trình chính sách.

Trước mắt, các đô thị lớn cần tổng kết, liên kết tạo ra những sáng kiến lập pháp mang tính dung hòa, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị ở chừng mực giải pháp cho một giai đoạn (ví dụ năm năm, 10 năm), vừa phù hợp với thể chế cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước. Những sáng kiến lập pháp ở đây phải ở tầm chính sách, có khả năng tác động nhất định đến nguyên tắc phân định thẩm quyền ở nước ta, là tiền đề cho những đề xuất chính sách tiếp theo.

Bên cạnh đó là vấn đề về con người, trong đó yếu tố quyết định chính không chỉ là chuyên môn, năng lực mà còn là bản lĩnh, tầm nhìn, quyết tâm đổi mới của lực lượng chủ chốt.

Tuy nhiên, cả hai yếu tố này cũng không có sức chiến đấu tự thân mà rất cần sự mở đường, tiếp sức của cả hệ thống chính trị.

Cần có luật riêng về chính quyền đô thị

. Có ý kiến cho rằng hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương dù có quy định riêng cho đô thị nhưng chưa đủ sức thể hiện đặc thù của CQĐT. Đây là lý do khiến không chỉ TP.HCM mà nhiều địa phương đều loay hoay xin “đặc thù”. Quan điểm của bà về vấn đề này?

+ Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện là cơ sở pháp lý chung áp dụng cho cả nông thôn và đô thị. Và xin cơ chế đặc thù là việc không thể không làm trước đòi hỏi cấp bách của quản lý đô thị. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù dành cho các đô thị Việt Nam nói chung đều không đạt được tầm cơ chế, chính sách mà chỉ là sự cho phép rất nhỏ lẻ của trung ương về một nội dung quản lý nào đó.

Nó chỉ đặc thù so với quy định đồng nhất, cào bằng chứ không đặc thù so với yêu cầu quản lý đặc thù của đô thị. Vì vậy, từ cái đặc thù nhỏ lẻ này sẽ phát sinh nhu cầu đặc thù nhỏ lẻ khác và địa phương bị cuốn vào việc xin hết cơ chế đặc thù này đến cơ chế đặc thù khác.

. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng giải pháp dài hạn cho vấn đề này là phải có Luật Tổ chức CQĐT. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

+ Nếu Quốc hội ban hành một luật riêng về CQĐT hay sửa đổi chế định CQĐT trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì đều phù hợp.

Có thể nói đó là thành quả từ những nỗ lực rất lớn của chính quyền các đô thị lớn nói chung và TP.HCM nói riêng trong việc thuyết phục trung ương. Tuy nhiên, thể chế lập pháp về CQĐT phân quyền được đến đâu cho CQĐT mới là vấn đề trọng yếu. Nếu đơn giản chỉ là sự gom góp các nội dung đặc thù đô thị bao lâu nay và đưa vào luật thì cũng khó làm nên chuyện. Với mô hình tổ chức quyền lực ở nước ta thì luật hay nghị quyết cũng chỉ là tương đối, quan trọng nhất vẫn là câu chuyện được phân quyền đến đâu.

. Xin cám ơn bà.

Đề xuất cấp quận là đơn vị dự toán ngân sách như cấp ngân sách

Mới đây, Bộ Nội vụ đã đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức CQĐT tại TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo đã bổ sung quy định UBND quận tại TP.HCM được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù là đơn vị dự toán ngân sách quận có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách. UBND TP.HCM phân cấp cho UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc…

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất số lượng biên chế công chức phường ở ba TP này được xác định theo quy mô dân số của phường.

Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức mô hình CQĐT tại ba TP được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình triển khai thi hành đã bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định nêu trên là nhằm sửa đổi những quy định không phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội về CQĐT; kịp thời giải quyết, khắc phục những bất cập, vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn tổ chức mô hình CQĐT tại ba TP trong thời gian vừa qua. N.THẢO

Đọc thêm