Giám đốc Sở Xây dựng nói về ‘khúc xương’ chống ngập

UBND TP.HCM vừa ký quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ từ Sở GTVT về Sở Xây dựng, trong đó có chức năng cấp thoát nước, một trong những mảng nóng hiện nay, nhất là trong bối cảnh TP.HCM vừa trải qua cơn bão số 9 gây ngập rất nghiêm trọng. Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc tiếp nhận công việc này.

Chuyển giao là phù hợp

. Phóng viên: Thưa ông, những nhiệm vụ nào của Sở GTVT tới đây sẽ được chuyển về cho Sở Xây dựng quản lý?

Ông Trần Trọng Tuấn

+ Ông Trần Trọng Tuấn: Theo quyết định của UBND TP, Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước đô thị, chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh đô thị. Bên cạnh đó là chức năng khai thác, duy tu các công trình về chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh đô thị.

. Có ý kiến cho rằng lâu nay việc chống ngập không hiệu quả nên có việc chuyển giao để quản lý hiệu quả hơn. Ông bình luận gì về ý kiến này?

+ Thật ra từ năm 2014, khi Nghị định 24 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, sau đó là Nghị định 81/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng cùng các văn bản có liên quan thì các chức năng, nhiệm vụ nêu trên là thuộc về Sở Xây dựng quản lý.

Trước đây, khi Sở GTVT còn là Sở Giao thông công chánh, ngoài chuyện giao thông đô thị thì sở này còn phải đảm đương cả cấp thoát nước, dịch vụ hạ tầng, công viên, cây xanh của ngành công chánh. Khi đổi thành Sở GTVT thì lẽ ra các chức năng nói trên cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, xét tình hình hai Sở GTVT, Xây dựng là những sở có quy mô lớn, đảm đương khối lượng công việc rất nhiều nên TP vẫn duy trì như trước.

“Nóng” càng thêm “nóng”

. Hiện nay, các lĩnh vực Sở Xây dựng đảm trách vốn đã là những vấn đề đang rất nóng, tiếp nhận thêm một “khúc xương” khác là chống ngập nữa, cá nhân ông có cảm thấy quá tải?

+ Việc chuyển giao như hiện nay là một chủ trương đúng và phù hợp với quy định pháp luật cũng như đúng với chức năng của Sở. Ở các tỉnh, thành khác thì các chức năng này đều thuộc về Sở Xây dựng quản lý lâu nay.

Ảnh hưởng của bão số 9 gây ngập sâu tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 26-11. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đây, trong một dự án nhà ở thì hạ tầng, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng là do Sở GTVT thẩm định, nghiệm thu nhưng nhà ở trong dự án thì lại do Sở Xây dựng quản lý. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến sự thiếu đồng bộ về mặt hạ tầng trong các dự án hiện nay. Việc chuyển giao các chức năng trên về cho Sở Xây dựng cũng chính là tạo sự kết nối đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với dự án phát triển nhà ở.

Tiếp nhận thêm các chức năng, nhiệm vụ này, chắc chắn Sở phải đảm trách khối lượng công việc nhiều hơn, nặng nề và phức tạp hơn. Tuy nhiên, có quá tải hay không thì còn phụ thuộc vào khả năng tổ chức lao động của từng bộ phận, trong đó có vai trò của người đứng đầu bộ phận và người đứng đầu cơ quan. Bên cạnh đó là năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của từng bộ phận.

. Việc chuyển giao này rơi vào thời điểm TP vừa trải qua cơn bão số 9 gây ngập lụt nghiêm trọng; cùng với đó ngập nước đang là vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay. Là người đứng đầu ngành xây dựng TP, ông có thấy áp lực?

+ Hiện nay, giảm ngập nước là một trong bảy chương trình đột phá của TP và TP cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chương trình đột phá này. Theo tôi, xảy ra tình trạng ngập lụt như hiện nay bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống thoát nước của TP hiện nay chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của đặc thù triều cường và yếu tố biến đổi khí hậu cũng như tình hình phát triển đô thị của TP. Hệ thống thoát nước nhiều nơi đã được đầu tư từ hàng chục năm trước nên đến nay không còn đáp ứng được trong tình hình mới. Nhiều nơi còn bị lấn chiếm, xả rác bịt ống cống, cửa xả ngăn dòng chảy. Hệ thống cống mới thì đang trong quá trình đầu tư nên cũng chưa có sự kết nối đồng bộ.

31-12 là mốc thời gian cuối để Sở GTVT TP. HCM và các bộ phận có liên quan thực hiện công tác bàn giao các nhiệm vụ về cấp nước, thoát nước đô thị, chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh đô thị... về Sở Xây dựng. Đến ngày 1-1-2019 các bộ phận trên sẽ chính thức đi vào hoạt động. 

Nguyên nhân thứ hai là việc đầu tư xây dựng công trình, nhà ở chưa đảm bảo nguyên tắc đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước. Thời gian qua, việc xây dựng nhà ở cũng diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng. Có những con đường đáng lẽ phải có cống rồi mới làm nhà nhưng thực tế không có cống nhưng nhà đã xây dày đặc. Có những tuyến đường trước đây là đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, về nguyên tắc thì không có vỉa hè, không có cống thoát nước nhưng trong quá trình đô thị hóa thì đã biến thành đường đô thị nhưng vẫn không có cống thoát nước. Do đó, khi mưa hoặc triều cường hoặc nước thải sinh hoạt của dân không có chỗ thoát, gây ngập.

TP hiện cũng đang tập trung nguồn lực để cải thiện nhưng vì tổng mức đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật quá lớn, ngân sách không đáp ứng kịp. Do đó, có nhiều khu vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không theo kịp và cũng thiếu đồng bộ với sự phát triển của nhà ở.

. Xin cám ơn ông.

“Thay tên đổi họ” Trung tâm chống ngập

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt đề án sắp xếp lại các ban quản lý (BQL) dự án của TP, quận-huyện, BQL đầu tư các khu đô thị, BQL đầu tư các dự án ODA. Theo đó, TP thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP để hợp nhất với BQL đầu tư dự án vệ sinh môi trường.

Sở Xây dựng sẽ thay mặt UBND làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều cường, nhà máy xử lý nước thải ở TP trên cơ sở chuyển nguyên trạng Trung tâm chống ngập. Đồng thời, UBND TP ủy quyền cho Sở Xây dựng quản lý hoạt động của BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, trừ nội dung nhân sự lãnh đạo BQL và đối với dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thông qua vốn vay nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm