Giảm lãi suất giúp mở rộng tín dụng, kìm hãm đà tăng nợ xấu

(PLO)- Dự báo về triển vọng của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm nay, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng nợ xấu có xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ chậm lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết quả kinh doanh quý II cho thấy tỉ lệ nợ xấu (NPL) của ngành ngân hàng tiếp tục tăng lên mức 3,3%, so với mức 2,9% tính đến hết quý I-2023.

Về giá trị tuyệt đối, tổng giá trị nợ xấu các ngân hàng niêm yết là 192.000 tỉ đồng, tăng 12,7% so với quý trước. Sự gia tăng nợ xấu này là hệ quả tất yếu của các giai đoạn lãi suất cao cùng với tình hình kinh tế khó khăn.

Về triển vọng nửa sau năm 2023, xu hướng tăng của nợ xấu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ phần nào chậm lại.

Việc giảm lãi suất được dự báo không chỉ giảm thiểu sự gia tăng nợ xấu mới mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng, qua đó kìm hãm đà tăng của tỉ lệ nợ xấu. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng nợ xấu đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc trong quý II, từ mức tăng 22,7% trong quý I xuống khoảng 12% trong quý II.

Thêm vào đó, tốc độ tăng nợ quá hạn (nhóm 2-5) cũng giảm mạnh, từ mức tăng 37,6% trong quý I xuống 7,4% trong quý II.

Với tốc độ gia tăng nợ xấu bắt đầu giảm và lãi suất điều chỉnh, Mirae Asset kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ sớm đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Điều đó cho thấy, chất lượng khoản vay của các nhà băng xấu đi trong quý đầu năm nay. Một trong những thử thách cho triển vọng ngành ngân hàng đó là khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn hiện hữu, trong khi lĩnh vực này chiếm tỉ trọng khoảng 20% tín dụng toàn hệ thống.

Mới đây, đánh giá về tỉ lệ nợ xấu của riêng lĩnh vực bất động sản, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Tỉ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước. Nếu cuối tháng 6 năm ngoái, tỉ lệ nợ xấu của lĩnh vực cho vay bất động sản chỉ có 1,53% thì đến tháng 6-2023, con số này đã lên 2,47%

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm