Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM của Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy thị trường nhà ở trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn trầm lắng cả về nguồn cung lẫn nhu cầu mua đều sụt giảm.
Đánh giá chung về thị trường nhà ở tại TP.HCM, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills cho biết nửa đầu năm 2023 chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc do nguồn cung hạn chế xen lẫn tâm lý thận trọng của người mua đang gây áp lực không nhỏ đến tính thanh khoản của thị trường.
Theo quan sát của Savills, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.980 căn. Trong đó, nguồn cung mới trong quý II chỉ chiếm 19%.
Căn hộ không có nguồn cung mới hạng A, trong khi hạng C chiếm 77% thị phần. Nguồn cung sơ cấp có 6.700 căn, giảm 59% theo năm, hạng C chiếm 45%, hạng B chiếm 35% và hạng A chiếm 20% thị phần.
Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills TP.HCM nhận xét giá căn hộ hiện nay chênh lệch đến khoảng 30 lần so với mức thu nhập trung bình của người dân thành phố.
“Thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở TP.HCM chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá căn hộ trung bình ở một dự án mới hiện nay là 5,5-6 tỉ đồng. Mức chênh lệch lên đến hơn 30 lần” - vị chuyên gia của Savills nhận định.
Bà Giang Huỳnh phân tích với mức thu nhập đó, người dân nếu có khả năng tiết kiệm 40 - 50% thu nhập mỗi tháng thì cũng phải chờ đợi vài chục năm mới có thể mua được nhà.
“Sẽ rất khó để một hộ gia đình dựa trên thu nhập thuần túy, thu nhập trung bình để mua được nhà tại TP.HCM vào thời điểm này. Như vậy, để mua được nhà phải có thu nhập khá cao cũng như cần sự hỗ trợ là các đòn bẩy tài chính mới có thể mua được một căn hộ với mức giá trung bình” - bà Giang nói.
Cũng theo nghiên cứu của Savills, lượng bán căn hộ trong nửa đầu năm đạt 1.170 căn, giảm 90% theo năm, trong quý II có hơn 300 giao dịch. Tỉ lệ hấp thụ 6 tháng đầu năm đạt 17%, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hạng C thu hút nhiều người mua hơn và chiếm 62% lượng bán.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến ngày 27-6, về cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Điều đó cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
“Như vậy, hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.