Tôi và vợ kết hôn năm 2020. Năm 2021, chúng tôi có ý định mua nhà nên đã mượn của chị gái tôi 600 triệu đồng. Số tiền đến nay vẫn chưa trả cho chị. Do có nhiều mâu thuẫn, nay chúng tôi không thể chung sống với nhau nữa. Vợ tôi nộp đơn ly hôn và đề nghị chia tài sản chung là căn nhà, đồng thời phủ nhận khoản nợ 600 triệu đồng đã mượn của chị vì cho rằng tiền này cô ấy không đứng ra vay, ai vay thì người đó trả.
Tôi muốn được biết theo quy định của pháp luật thì căn nhà có được xem là tài sản chung của vợ chồng tôi không vì số tiền mua nhà chủ yếu là từ tiền vay mượn của chị tôi. Tôi và chị có nộp đầy đủ giấy tờ chứng minh số tiền tôi vay của chị là để mua nhà thì có được tòa xem xét giải quyết hay không?
Bạn đọc Minh Hoàng (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), hỏi.
Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
Tài sản chung của vợ chồng gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì căn nhà của vợ chồng bạn dù là bạn vay tiền của chị để mua nhưng không có văn bản thỏa thuận là tài sản riêng. Do đó, căn nhà vẫn là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, vợ bạn vẫn có quyền yêu cầu chia căn nhà theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng. Theo đó, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện trong trường hợp giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Nếu khoản nợ được xác định là nợ chung thì hai vợ chồng cùng liên đới trả. Đối với khoản nợ 600 triệu đồng do bạn vay của chị để mua nhà, bạn và chị có nộp đầy đủ giấy tờ chứng minh số tiền vay là để mua nhà thì tòa sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật bạn nhé.