Tuy nhiên, mỗi khi tôi hoặc vợ chuyển nhượng các tài sản thì lại cần xác nhận đồng ý của bên còn lại để bán được tài sản. Vì vậy, chúng tôi muốn phân chia tài sản để hai bên tự do thực hiện các giao dịch.
Xin hỏi, chúng tôi đang chung sống thì có được phân chia tài sản không? Nếu được thì thủ tục ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Võ Tuấn Kiệt (TP.HCM)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (HN&GĐ), vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Tại Điều 38 Luật HN&GĐ cũng quy định trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung.
Theo đó, nếu vợ chồng xác lập thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì thỏa thuận phải được lập thành văn bản.
Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng. Nếu chia bất động sản và động sản có đăng ký thì bắt buộc phải công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Khi phân chia tài sản, các bên có quyền tự do thỏa thuận và ghi nhận vào văn bản thỏa thuận nhưng chủ yếu phải có các nội dung cơ bản sau:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.
- Nội dung khác có liên quan.
Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được chia cho của mỗi bên là tài sản riêng của vợ, chồng.
Phần tài sản còn lại không chia là tài sản chung của vợ chồng.
Lưu ý, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu nếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ (trả nợ, cấp dưỡng…).