Ông Thành đề xuất: “Trong tình hình có nhiều khó khăn như hiện nay thì nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc càng rõ ràng hơn. Ngoài việc cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN, kèm theo quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường thì chính quyền nên chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp để người dân bám biển, bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá...”. Ông Thành còn cho rằng có một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp với chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô.
Liên quan đến vấn đề hội nhập, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Khi gia nhập WTO, FDI đã tăng vượt bậc nhưng chất lượng lại trái với mong đợi, không thu hút phát triển được khoa học công nghệ mà chủ yếu lại đầu tư vào bất động sản. Rồi hàng loạt các tập đoàn nhà nước lập ra thực hiện đa dạng hóa đầu tư vào ngân hàng, bất động sản, khách sạn dẫn đến bùng nổ bong bóng bất động sản đến nay vẫn chưa giải quyết được và làm cho nợ xấu ngày càng lớn lên. Vậy nên phải làm rõ sức đề kháng của nền kinh tế hiện nay, đồng thời phải có sự sáng tạo, cải cách lớn”.
Theo TS Thành, dự báo tăng trưởng của năm nay có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88% (chỉ tiêu đặt ra 5,8%). Còn lạm phát cũng được dự báo tiếp tục hạ thấp còn từ 4,76% đến 5,51%.
T.HẰNG