Vai trò giám sát của MTTQ mới chỉ ở cấp cơ sở, cấp tỉnh, huyện và trung ương còn ít và thiếu cơ chế. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Sự tham gia của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” do Bộ Tư pháp phối hợp với Viện KAS (Konrad Adeauer Stiftung) CHLB Đức tổ chức, ngày 7-3.
Tuy đã được Hiến pháp hiến định về vai trò giám sát và phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội đối với việc thực hiện pháp luật nhưng nhiều đại biểu thẳng thắn nhìn nhận: Việc giám sát của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thời gian qua vẫn mang tính hình thức nên hiệu quả pháp lý chưa cao. Giám sát phần nhiều mới được thể hiện qua việc phát hiện và nêu ý kiến, chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa.
Mặt trận Tổ quốc xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) trong một lần kiểm tra chất lượng thi công đường trục xã. Ảnh: XUÂN ME
Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có một cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của MTTQ và các thành viên. Đồng thời do những hạn chế trong cách bố trí cán bộ Mặt trận của các cấp ủy Đảng, do môi trường và thiếu kinh phí hoạt động nên nhìn tổng thể trình độ, năng lực, đội ngũ cán bộ Mặt trận còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu mới.
PGS-TS Bùi Xuân Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Theo quy định, khi Quốc hội, HĐND tổ chức các đoàn giám sát phải có thành viên của Mặt trận tham gia nhưng chỉ qua hình thức đó tiếng nói của tổ chức Mặt trận khá mờ nhạt. Vì vậy theo tôi, để việc giám sát của Mặt trận thực chất phải trao quyền cho mặt trận được tổ chức giám sát riêng nhưng làm được việc đó Mặt trận phải nâng cao năng lực để thực hiện. Việc này phải có cơ chế rõ ràng để thực hiện tránh việc giám sát hình thức”.
Theo TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, việc huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và nhân dân là một nguyên tắc quan trọng trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó tổ chức Mặt trận phải đóng vai trò là trung tâm. Vì vậy thời gian tới, để nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác theo dõi thi hành án pháp luật nhà nước cần có chính sách để xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với MTTQ và có quy định cụ thể hơn về cơ chế huy động sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
Các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá, Việt Nam có hệ thống pháp luật cũng đầy đủ và toàn diện, tuy nhiên, cần tăng cường về mặt cơ cấu, thành phần, chất lượng cán bộ của tổ chức Mặt trận. Làm được như vậy sẽ nâng cao được vai trò của MTTQ trong giám sát thi hành pháp luật trong tình hình hiện nay.
T.NAM