Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX)... Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp.
Giảm mức phạt để phù hợp với mức độ của hành vi
Nghị định số 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, Bộ Công an nhận định để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn mức thấp.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Thêm vào đó, dự thảo đề xuất giảm mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng xuống 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất giảm mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng xuống 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, Bộ Công an đề xuất vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm hình thức xử phạt là trừ điểm GPLX.
“Quy định ngưỡng thấp nhất càng tốt”
Với đề xuất trên, anh Trần Quốc Tuấn, ngụ ở quận Đống Đa, Hà Nội, nhận định mức phạt thấp nhất với người vi phạm nồng độ cồn hiện nay quá cao, không phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, nhiều người uống bia hôm nay ngày mai đã tỉnh táo, hoàn toàn làm chủ được phương tiện, nhưng khi bị kiểm tra nồng độ cồn vẫn dính phạt ở mức thấp nhất, do cơ thể chưa đào thải hết lượng cồn.
“Vì vậy, tôi cho rằng đề xuất của Bộ Công an là phù hợp và mức giảm nên xuống 300-400 nghìn đồng để bớt gây bức xúc cho người dân”- anh Tuấn nói.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an. Bởi theo ông, ngưỡng nồng độ cồn nêu trên nguy cơ tác động đến người lái xe thấp.
Cạnh đó, ông Quyền cho rằng khả năng hấp thụ và đào thải nồng độ cồn mỗi người khác nhau, có người uống một lon bia sau ba tiếng đã đào thải hết, nhưng có người sau ba tiếng chưa đào thải được. Trong khi người dân không hề biết được khả năng đào thải của cơ thể mình như thế nào.
Thêm vào đó, hiện một số loại trái cây, nước ngọt, thức ăn, một số sản phẩm y tế dùng cho người bệnh có thể chứa cồn khi vào cơ thể sinh ra một lượng cồn.
“Với số lượng người tham gia giao thông lớn, đa dạng phong phú và nhiều yếu tố tác động dẫn đến nhiều người có một lượng nồng độ cồn trong cơ thể thì việc giảm mức phạt nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất là đúng”- ông Quyền nói.
Đánh giá mức xử phạt Bộ Công an đề xuất, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định mức xử phạt giao thông cao hay thấp không mang tính quyết định trong việc tạo thói quen chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông. Tính quyết định đến hành vi của họ xuất phát từ việc cơ quan thực thi nhiệm vụ trên đường phải làm nghiêm và công bằng.
Còn T.S Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông lại mong muốn, trông đợi cơ quan soạn thảo đưa ra một ngưỡng nồng độ cồn, dù ngưỡng rất thấp, nhằm phù hợp với thực tiễn người dân Việt Nam. Bởi ông cho rằng hiện người tham gia giao thông có nồng độ cồn trên mức 0 nhiều.
“Nếu chúng ta không công nhận thực tế đó mà lúc nào cũng chăm chăm vào xử phạt và xử phạt lâu dần sẽ khiến người dân bức xúc”- ông Thuỷ nói.
Đi vào đánh giá mức giảm trên, vị chuyên gia giao thông nhận định hiện người tham gia giao thông mới nhấp chút rượu đã “bay” mất mấy triệu đồng, nên chúng ta thấy mức đề xuất phù hợp hơn trước đây…
Người có nồng độ cồn thấp vẫn đủ tỉnh táo để lái xe
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc sửa đổi, giảm mức phạt tiền như đề xuất của Bộ Công an là phù hợp. Bởi vì trước đây nhiều ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là quá nghiêm khắc và chưa phù hợp…
Cần nới rộng, nghiên cứu các nước áp dụng ra sao để rút kinh nghiệm … Quy định phải có tính tương ứng với các Luật khác như luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ.
“Ngoài ra, do hệ thống giao thông ở nước ta chưa đồng bộ nên tính thống nhất về nồng độ cồn, người điều khiển trên các loại đường cũng phải phù hợp, không nên cứng nhắc như trước”- Luật sư Tuấn cho hay.
Cũng theo Luật sư Tuấn, Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong khi đó, khi ăn những thực phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối… dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể hoặc việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men có thể có nồng độ cồn trong máu và hơi thở nhưng ở mức độ rất thấp, không đáng kể và sẽ được cơ thể chuyển hóa hết rất nhanh…
Do đó khi lưu thông mà CSGT kiểm tra thì khả năng nồng độ sẽ còn, từ đó mức phạt đối với trường hợp này nhẹ sẽ không gây “mất lòng dân”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, nhất trí với dự thảo của Bộ Công an về giảm mức phạt đối với người có nồng độ cồn ở mức thấp như Dự thảo đã quy định.
Theo ông Tiến, quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải không có nồng độ cồn nhằm đảm bảo an toàn cho mình và cho người tham gia giao thông khác.
“Việc giảm mức phạt là để phân hoá việc xử lý đối với người có nồng cồn thấp so với người cố tình sử dụng các chất có cồn với liều lượng cao”- TS Tiến cho hay.
Theo vị TS này, mức xử phạt đối với người vi phạm về nồng độ cồn phải tương ứng với hành vi, tính chất vi phạm. Người có nồng độ cồn thấp, nguy cơ gây thiệt hại cho người khác ít hơn so với người có nồng độ cồn cao. Người có nồng độ cồn thấp vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông và ý thức được hậu quả của tai nạn giao thông. Những người có nồng độ cồn cao nguy cơ gây ra tai nạn nhiều hơn và hậu quả khốc liệt hơn nên việc Dự thảo giữ nguyên mức phạt là phù hợp.
“Việc giảm mức phạt tiền đối với người vi phạm có nồng độ cồn thấp không có nghĩa là Nhà nước không xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn”- TS Tiến nhấn mạnh.