Gian lận thi cử, giá điện làm ‘nóng’ Quốc hội

Ngày 30-5, phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã diễn ra tại hội trường Quốc hội. Hai vấn đề giáo dục và giá điện đã làm… “nóng” nghị trường.

Gian lận thi cử làm mất đạo đức xã hội

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) là người đầu tiên phát biểu về vấn đề “nóng” trong cả nước thời gian qua: Gian lận thi cử. “Sai phạm, gian lận trong thi cử thì phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương. Vì vừa qua, không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử!” - ĐB Hiếu mở đầu.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) coi đây là dịp để đánh giá lại phương pháp coi thi nhằm hạn chế tiêu cực. “Trước gian lận chỉ nhỏ lẻ thì giờ tinh vi hơn, có tổ chức hơn, liên quan đến các quan chức có tiền, có quyền. Gian lận thi là ăn cướp, vô liêm sỉ vì cướp mất cơ hội của các cháu học thật, thi thật” - ĐB Giang nhận xét.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm, gian lận thi cử mang lại. “Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Ngay cả sai phạm khi xảy ra thì không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác. Điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn nhưng những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội” - ĐB Cương nói. Ông đề nghị xử lý triệt để vụ việc này để “lấy lại niềm tin và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật”.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng khi ngành giáo dục không đối diện với sự thật  thì không thể đạt được kết quả thực chất. Ảnh: TTXVN

Cần nền giáo dục không nói dối

ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói rằng: “Càng cải cách giáo dục thì kết quả càng kém hơn”. “Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi: Vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá, giỏi lại cao hơn Hà Nội, TP.HCM. Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua” - ông Hiếu nhận định.

Cho rằng phương pháp cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT chưa đúng, ĐB Hiếu kết luận: “Nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục. Trước mắt, chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường”.

ĐB Thái Trường Giang cho rằng khi ngành giáo dục không đối diện với sự thật thì không thể đạt được kết quả thực chất. “Không thể có chuyện 43 học sinh thì 42 học sinh giỏi, một học sinh khá. Bao nhiêu trường hợp như vậy? Tìm một học sinh yếu kém khó hơn mò kim đáy biển!” - ĐB Giang nói.

Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương coi giáo dục vẫn còn “khoảng tối” và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD&ĐT cứ loay hoay với nhiều vấn đề mà ít đem lại kết quả. “Cải tiến nối tiếp cải tiến, trong khi cải tiến chưa mang lại kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh. Tiêu cực trong giáo dục khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng, chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi Công an Hà Nội bắt có một vụ thôi mà đã thu được cả tấn phôi bằng” - ĐB Cương dẫn chứng.

Tăng giá điện, đổ cho trời: Khỏi bàn

Việc tăng giá điện và tác động của nó được nhiều ĐB cùng quan tâm, thảo luận. ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng việc tăng giá điện, giá xăng dầu làm cho giá hàng loạt mặt hàng, sản phẩm khác tăng theo, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội và người tiêu dùng.

Còn ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua như thế nào, đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri, nhân dân cả nước biết. ĐB Phúc cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, phòng ngừa hiện tượng tăng giá các mặt hàng khác theo kiểu “tát nước theo mưa”.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng: “Trong việc tăng giá điện, vấn đề tôi và cử tri quan tâm không phải đúng quy định hay không vì Chính phủ đã điều hành thì phải đúng. Vấn đề tôi và cử tri muốn là: Chính phủ đánh giá cụ thể hơn và có dự báo trong thời gian tới, sau khi tăng giá điện thì phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của dân bị ảnh hưởng như thế nào”.

Theo ĐB Hận, tăng giá điện và giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào, làm cho giá thành sản phẩm tăng. “Việc này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giảm sức mua của người dân” - ĐB Hận nhận định.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương thì cho rằng người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng cần minh bạch. “Người dân hoàn toàn có lý, nghi ngờ việc tăng giá điện khi EVN chọn thời điểm chuyển mùa. Vì tăng rồi đổ cho thời tiết là hợp lý, không cần giải thích nhiều. Ở một số nước, do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn” - ĐB Cương nêu.

Cần công khai, minh bạch giá điện

Về việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng EVN cần công khai, minh bạch chi phí đầu vào, tăng cường năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng… Phó Thủ tướng cũng cho biết: Trên cơ sở đề xuất của chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã giao EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá điện hợp lý hơn và bảo vệ người có thu nhập thấp, phù hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích các hộ tiêu dùng.

“Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN trong năm 2019” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm