Quy trình bất biến của giá điện: Tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi

Sáng 30-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp tổ sáng nay.

Liên quan đến giá điện, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn luôn tuân theo quy trình bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện, nhưng cần đó là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên, kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều mập mờ cần phải làm rõ.

Trước hết, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như EVN công bố là không chính xác, khi mà số tiền điện phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên tăng giá gấp đôi và gấp ba. Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ được lấy làm gốc và phải căn cứ vào đó dù có chia bảng giá điện thành 6 bậc hay cả trăm bậc đi chăng nữa giá bán lẻ điện bình quân phải được chấp hành và không được thay đổi.

“Tôi có hỏi một số chuyên gia, họ đều cho rằng việc chia bậc của EVN, bao gồm cả nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm điện, giá bán lẻ điện bình quân là chưa đúng với quyết định của Chính phủ và bên có lợi đương nhiên thuộc về doanh nghiệp chứ không phải người dân…”, vị ĐB cho hay.

Trong một buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng có ý kiến nói mọi người bảo đất nước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, nhưng mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp (tức là mức tối thiểu từ 100-150kwh). ĐB cho rằng người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá.

Không ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để bắt đầu tăng giá điện, bởi theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, cứ tăng rồi đổ cho thời tiết là hợp lý nhất và đỡ phải giải thích nhiều. EVN và cơ quan quản lý Nhà nước so sánh giá điện của Việt Nam thấp, nhưng ông cho rằng việc so sánh đầu ra chứ không so sánh đầu vào là sự so sánh khập khiễng. Bên cạnh đó, chưa kể một doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ và chưa tính đến chuyện thất thoát điện năng do quản lý và kỹ thuật. Đó là còn chưa nói đến thu nhập đầu người của Việt Nam thấp…

“Có một việc rất đáng so sánh là ở một số nước nắng nóng thì họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn thì chẳng thấy ai so sánh cả. Cứ rao giảng rằng tăng giá điện thì các bên đều được lợi nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy. Lần nào tăng giá điện cũng nói là để góp thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư ngành điện… nhưng tôi đã nghe có một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và sự thất thoát từ sự chậm tiến độ là điều tất yếu…”, vị ĐB nhấn mạnh và đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để cho thấy bức tranh doanh nghiệp độc quyền. 

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Bộ Công thương cần phải rà soát các khâu.

Vừa qua Bộ Công thương đã đưa ra những con số khẳng định việc điều chỉnh giá là đúng. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) khi người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công thương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức giám sát, điều hành giá của mình, đặc biệt là xem nguồn gốc sâu xa phải chăng là do sự độc quyền không được cạnh tranh trong việc mua bán và truyền tải điện.

“Như tôi là bác sĩ, khi đưa ra phác đồ điều trị, nhưng bệnh nhân không tốt thì phải xem xét việc triển khai có đúng không, sai khâu nào. Vì vậy, Bộ Công thương không nên duy ý chí, bảo thủ, che giấu sai lầm…”, ĐB nhấn mạnh.

Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới, việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

ĐB Nguyễn Quốc Hận cho rằng cần đánh giá tác động việc tăng giá điện.

Vì việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đương nhiên chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm, qua đó là tăng giá, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và giảm sức mua của người dân.

Ở khía cạnh khác, ông Hận cho rằng trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, kiến nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này”, ông Hận nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm