Chiều 30-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
ĐB Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng việc gian lận thi cử là cướp cơ hội của các thí sinh học thật.
Liên quan đến gian lận thi cử, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau), cho rằng chất lượng giáo dục, ngành giáo dục không đối diện với sự thật để kết quả giáo dục thực chất hơn. Đơn cử, 43 học sinh thì 42 học sinh giỏi, 1 học sinh khá.
Vị ĐB đặt câu hỏi: "Bao nhiêu trường hợp như vậy? Tìm một học sinh yếu kém khó hơn mò kim đáy biển”. Theo ĐB Thái Trường Giang, mối quan hệ thầy trò là hồi chuông cảnh báo. Phạt quỳ học sinh, làm học trò nên người hơn. “Giờ thì sao?”, ĐB này đặt câu hỏi.
Gian lận thi cử vừa qua là dịp để đánh giá lại phương pháp coi thi nhằm hạn chế tiêu cực trong thi cử. Trước gian lận chỉ nhỏ lẻ thì giờ tinh vi hơn, có tổ chức hơn. "Gian lận thi là ăn cướp, vô liêm sỉ vì cướp mất cơ hội của các cháu học thật, thi thật...”, ĐB Thái Trường Giang nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT đánh giá đúng thực trạng nền giáo dục.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), khẳng định cử tri mong muốn Bộ GD&ĐT phải xử lý nghiêm tình trạng này. Đặc biệt, cần chỉ ra những thiếu sót trong công tác thi cử vừa qua và phải có người chịu trách nhiệm chứ không nói chung chung là do địa phương. “Vì chúng ta thấy, việc gian lận không chỉ diễn ra tại một địa phương, như vậy, là có hệ thống...”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Theo quan sát của ĐB, Bộ GD&ĐT chưa có chỉ đạo cấp tỉnh xử lý những khe hở trong thi cử, Bộ không đánh giá kết quả thi của các thành phố để có sự so sánh tỉ lệ điểm. Vì nếu phân tích, không thể không đặt dấu hỏi tại sao các tỉnh miền núi có điểm thi cao hơn Hà Nội, TP.HCM.
“Nếu Bộ GD&ĐT tiến hành phúc tra bài thi trên cả nước tôi tin rằng sẽ phát hiện ra nhiều địa phương vi phạm trong kỳ thi vừa qua… Và có như vậy trong tương lai các thử nghiệm của Bộ GD&ĐT về quy trình thi cử nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung mới đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả…”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng. Vì vậy, ĐB cho rằng Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều cải cách nhưng phương pháp là chưa đúng. “Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối…”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.