Gian nan cứu bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng bị loạn thần cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh nhân nữ CTTL (56 tuổi) được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày 5-9 và chuyển khoa COVID-19 điều trị trong tình trạng sốt cao 390C, lạnh run, tiêu chảy, nôn ói, đau bụng quanh rốn, mạch rất nhanh khoảng 112 lần/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán không chỉ bị nhiễm trùng đáp ứng kém kháng sinh mà còn bị cường giáp (hay còn gọi bão giáp). Bệnh nhân được tiên lương rất nặng, nếu không đáp ứng điều trị nội khoa sau 24 giờ thì xem xét hội chẩn khoa Hồi sức COVID-19 để có chỉ định thay huyết tương.

Tình trạng bệnh nhân sau đó diễn biến xấu nên ngày 13-9, bệnh nhân đã được thay huyết tương. Sau thay huyết tương 3 lần, bệnh nhân giảm sốt, mạch còn nhanh, hết ói, hết tiêu chảy. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện những cơn kích động, la hét, nói sảng nên được hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần Bệnh viện Tâm thần và chẩn đoán rối loạn tâm thần do bệnh lý nội khoa nặng, sau đó bệnh nhân được thêm thuốc chống loạn thần Olanzapin.

Các bác sĩ cùng bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC

Ngày 18-9, bệnh nhân có tình trạng không tỉnh táo hẳn, còn nói những tiếng vô nghĩa, mạch khoảng 98 lần/phút, không sốt, không đau bụng. Đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với cả y bác sĩ, điều dưỡng lẫn bệnh nhân về tình trạng loạn thần cấp. Các bác sĩ đã hội chẩn nhiều lần với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để dùng thuốc và chỉnh liều thuốc và kết hợp với bác sĩ vật lý trị liệu để tập hô hấp, vận động cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có tình trạng nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, giảm tiểu cầu mắc phải phải truyền tiểu cầu đậm đặc do bệnh nặng và dùng thuốc điều trị cường giáp, kháng sinh. Bệnh nhân còn bị suy dinh dưỡng do bệnh đái tháo đường tuýp 2, loạn thần ăn uống kém, kiểm soát đường huyết khó.

Sau 22 ngày điều trị tại 3 khoa hồi sức và điều trị, bệnh nhân đã trở lại trạng thái gần như bình thường, tri giác hoàn toàn tỉnh táo nên được xuất viện vào ngày 27-9. Bệnh nhân được dặn dò tiếp tục điều trị thuốc cường giáp, đái tháo đường và có chế độ ăn cũng như tái khám lại nội tiết khi hết thuốc hoặc có triệu chứng bất thường.

Bệnh nhân sau khi xuất viện về nhà. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, cơn bão giáp là một cấp cứu nội tiết hiếm gặp, đặc biệt cơn bão giáp trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 lại càng hiếm gặp hơn nữa nhưng hậu quả rất nặng nề với tỉ lệ tử vong cao lên đến hơn 30%. Việc phát hiện bệnh lý kịp thời và điều trị tích cực là yếu tố quyết định tăng tỉ lệ sống còn cho bệnh nhân. Khi điều trị nội khoa không hiệu quả trong vòng 24 giờ, thay huyết tương có thể được xem là vũ khí phối hợp với điều trị nội khoa tích cực nhằm cứu sống người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm