Giãn nợ gốc, giữ nhóm nợ: Cửa thoát hiểm cho chủ đầu tư

(PLO)- Doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận giảm giá để bán được hàng, có phương án trả nợ khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một giải pháp đáng chú ý để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) BĐS khó khăn là Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ cho DN.

Cơ hội cho DN phục hồi

Theo Nghị quyết 33, Chính phủ nhấn mạnh tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các DN khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… Ngoài ra, có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

Nghị quyết 33 đem lại làn gió mới đầy kỳ vọng cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Ảnh minh họa: Q.HUY

Nghị quyết 33 đem lại làn gió mới đầy kỳ vọng cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Ảnh minh họa: Q.HUY

Nhiều DN cho biết rất mừng khi liên tiếp có hai nghị quyết là 08 và 33 hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Như trường hợp của Tập đoàn Novaland, giải pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… Chính phủ đưa ra tại nghị quyết đúng như kiến nghị trước đó của DN này.

Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường BĐS hiện nay, xác định cụ thể khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân. Quan trọng nhất là nghị quyết đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước. Nghị quyết cũng chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các DN BĐS.

ÔngLÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Đại diện Novaland mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án 2-3 năm. Việc này sẽ giúp các DN có thời gian chờ thị trường phục hồi và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10%-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Đại diện một tập đoàn BĐS cũng cho biết đến thời điểm này DN vẫn chật vật để không bị nhảy nhóm nợ. Thời khắc gần như không cầm cự được nữa thì Nghị quyết 33 được ban hành.

“Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để DN sản xuất, kinh doanh. Không những vậy, nó còn giúp DN có thể tiếp cận được các đối tác nước ngoài, quỹ đầu tư để liên doanh, liên kết hoặc bán các dự án để thu hồi vốn, tái cơ cấu” - đại diện tập đoàn này chia sẻ.

Giải quyết từ gốc, DN phải giảm giá để bán được hàng

Đánh giá về Nghị quyết 33 của Chính phủ, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết các giải pháp chỉ đạo mang lại thông tin tích cực cho DN BĐS. Tuy nhiên, nghị quyết mang tính gợi ý còn cụ thể triển khai thì phải cần các bộ, ngành, cơ quan liên quan có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa các giải pháp.

Như đối với giải pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… ông Thịnh cho rằng rất khó để các ngân hàng thương mại thực hiện nếu không có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước. Các yêu cầu về điều kiện cho vay, chuyển nhóm nợ, hệ số rủi ro... đều phải được thực hiện bởi nếu DN không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào thế khó.

Để đủ điều kiện được ngân hàng xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ thì quan trọng nhất là DN phải giảm giá nhà để bán được hàng.

“Với những tài sản gần hoàn thành có thể tìm nguồn theo phương thức liên doanh, liên kết hoặc các biện pháp khác để có vốn hoàn thành. DN phải chấp nhận trước đây tăng giá thì bây giờ giảm giá và phải về giá trị thực” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Lưu ý về giải pháp cơ cấu lại nhóm nợ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề khi DN vẫn phải thanh toán nợ trong tương lai. Tình trạng nợ xấu kéo dài sẽ gây thiệt hại cho cả DN và ngân hàng. Trường hợp nếu cơ cấu nợ mà DN vẫn không thể phục hồi thì nên xử lý theo quy trình tái cơ cấu để DN lẫn ngân hàng chủ động biện pháp xử lý, trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu. Nếu không thì cả DN lẫn ngân hàng đều mất cảnh giác trong khi bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn đó.

“Với khoản nợ trái phiếu, nếu DN không thể thanh toán sẽ đi vào trạng thái vỡ nợ chứ không được xử lý theo các nhóm nợ tín dụng thông thường. Trường hợp muốn thu hồi nợ, các ngân hàng chỉ còn cách mở thủ tục phá sản. Sau đó, ngân hàng có thể chuyển từ nợ trái phiếu sang nợ bình thường để đi vào xử lý như các nhóm nợ” - ông Hiếu phân tích.

Sàng lọc dự án đủ điều kiện giãn nợ

Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng việc cơ cấu nợ phải được triển khai một cách rất thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế. Trách nhiệm DN phải có phương án cơ cấu nợ khả thi để phối hợp với ngân hàng cơ cấu nợ.

Để giãn nợ, Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất, kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc với DN để có các phương án gỡ khó phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm