Giành giật hơi thở cho con ở Delhi

(PLO)- Phụ huynh ở Delhi (Ấn Độ) tìm đủ mọi cách để giành giật hơi thở cho con, trong bối cảnh chất lượng không khí tại đây xuống mức cực kỳ thấp.

Khi tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn ở Delhi (Ấn Độ), bà Amrita Rosha (45 tuổi) nằm trong số những người quyết định rời đi cùng các con. Cả hai đứa con bà – Vanaaya (4 tuổi) và Abhiraj (9 tuổi) – đều mắc các vấn đề về hô hấp và phải uống thuốc do ô nhiễm không khí gia tăng.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Delhi” – bà Rosha nói với đài CNN. Bà cho biết cả nhà bà sẽ chuyển đến quốc gia vùng Vịnh Oman.

Không chỉ bà Rosha, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn với câu hỏi làm sao để có thể giành giật hơi thở cho con.

Hai đứa trẻ tại Delhi (Ấn Độ) bên máy xông khí dung. Ảnh: CNN

Lựa chọn rời đi

Trong nhiều năm qua, cứ khi mùa đông đến, một lớp bụi dày lại xuất hiện ở Delhi, biến ngày thành đêm và làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch kém phát triển, buộc phải tìm đến các cơ sở y tế vì gặp các vấn đề về hô hấp.

Theo IQAir – đơn vị theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, tháng 11, ở một số khu vực của Delhi, chỉ số chất lượng không khí đã vượt quá 1.750. Trong khi đó, chỉ số trên 300 được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

Vào ngày 20-11, chỉ số đo mức bụi mịn PM2.5 cao hơn 77 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Khi hít vào, PM2.5 di chuyển sâu vào mô phổi, có thể xâm nhập vào máu và gây bệnh hen suyễn, bệnh tim, phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em.

Bà Rosha muốn đảm bảo rằng các con của bà được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Trước khi rời khỏi Delhi, bà thường đưa các con đi khám bác sĩ, mua các loại thuốc và máy hỗ trợ hô hấp để giúp các con cảm thấy thoải mái nhất. Sau khi các giải pháp trên không phát huy nhiều tác dụng, bà quyết định đưa các con rời đi.

Gia đình bà Deepthi Ramdas là một trường hợp khác.

Khi con trai Rudra của bà chào đời cách đây 3 năm, bà không nghĩ rằng bà sẽ phải rời khỏi Delhi. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi bà chứng kiến cảnh con trai được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt nhi khoa vào tháng 1-2022.

Các bác sĩ khuyên bà nên rời Delhi nếu bà muốn phổi của con trai bà phát triển. Vì bà có nhà ở tiểu bang Kerala (nam Ấn Độ) nên bà quyết định đi.

“Đó không phải là một quyết định dễ dàng. Tôi phải nghỉ việc mà tôi yêu thích và vì chồng tôi phải tiếp tục ở Delhi để làm việc nên chúng tôi phải yêu xa” – bà nói.

Nhiều người khác không muốn rời đi vì nhiều lý do khác trong năm nay, dù họ cũng rất lo lắng cho sức khỏe con mình.

"Đây không phải là việc bạn có thể làm ngay, bạn phải lên kế hoạch và phải đủ may mắn" – cô Urvee Parasramka (29 tuổi) chia sẻ với CNN. Cô con gái Reva (2 tuổi) của cô đã phải dùng máy xông khí dung – một chiếc máy biến thuốc dạng lỏng thành sương mịn để hít qua mặt nạ – từ mùa đông đầu tiên đầu tiên trong đời của bé.

Khi biết vợ mang thai, anh Prateek Tulsyan – chồng cô Urvee Parasramka – đã lắp máy lọc không khí. Tuy nhiên, anh cũng không ngờ con anh lại gặp vấn đề hô hấp sau khi được sinh ra.

"Lúc đó, tôi rất hoảng loạn. Thật khó hiểu tại sao con bé lại cần dùng thuốc nặng như vậy. Tôi rất sợ. Phải mất một thời gian tôi mới bình tĩnh lại” – anh Prateek chia sẻ với CNN.

Bà Amrita Rosha và các con. Ảnh: CNN

Nếu cô Urvee nghe thấy Reva hắt hơi, cô biết rằng bé sắp có cơn ho, tiếp theo là nghẹt mũi và sau đó là phải sử dụng máy xông khí dung.

Cô Urvee cho biết gia đình cô đã quyết định chuyển đến Guwahati (đông bắc Ấn Độ) – nơi có chất lượng không khí tốt hơn – trong những tháng ô nhiễm cao vào năm tới.

"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, thoải mái ở đây, vì vậy việc tạo dựng một ngôi nhà khác ở đó sẽ không dễ dàng nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác" – cô nói.

Không lối thoát

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như những gia đình trên.

Cách khu phố giàu có nơi bà Rosha sống khoảng 24 km, tại một khu ổ chuột ở Delhi, bà Muskan lo lắng nhìn những giọt thuốc còn lại cho máy xông khí dung. Bà Muskan chỉ dám dùng chiếc máy cho con, riêng bà thì không dám sử dụng vì sợ tốn tiền.

Bà Muskan mua chiếc máy xông khí dung giá 9 USD sau nhiều tuần làm việc vất vả trên đường phố. Bà kiếm sống bằng nghề nhặt rác, còn chồng bà thì làm công nhân.

"Khi các con ho, tôi cảm thấy sợ rằng chúng có thể chết. Tôi luôn lo lắng về điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra với chúng" – bà nói.

Bà Muskan và các con. Ảnh: CNN

Nhiều hàng xóm của bà Muskan thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Họ không có nhiều tiền mua máy xông khí dung. Và mỗi khi gặp vấn đề hô hấp, họ thường đến phòng khám tư gần nhất và trả khoảng 1 USD cho mỗi lần khám.

Một trong số họ là anh Deepak Kumar – công nhân làm công ăn lương theo ngày có 4 đứa con. Theo CNN, một lần khám bác sĩ còn nhiều hơn cả tiền lương hàng ngày của ông.

Đêm là thời gian tồi tệ nhất với gia đình ông. Khi ấy, bác sĩ không còn làm việc và ông phải dùng dầu gió và hơi nước để giúp con gái vượt tình trạng khó chịu. Ngay cả khi con ông ngủ ngon, khoản nợ ngày càng tăng do chi phí y tế khiến ông không ngủ được.

“Đúng vậy, tôi đang mắc nợ 20.000 rupee (235 USD) và để trả hết số nợ đó, tôi đang cố gắng làm việc chăm chỉ hơn nữa” – ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới