Giành giật “vé” vào ban quản trị chung cư

Trước đây, vị trí thành viên ban quản trị (BQT) nhà chung cư vẫn bị xem là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, không mấy ai ham. Tuy nhiên, khi những tòa nhà chung cư cao cấp mọc lên thì việc có được một “ghế” trong BQT bỗng nhiên trở nên hấp dẫn. Lý do, BQT chính là những người đại diện cho toàn bộ cư dân sinh sống tại tòa nhà, đứng ra quản lý số tiền lớn từ quỹ bảo trì chung cư. Số quỹ này ở nhiều chung cư lên đến hàng chục tỉ đồng.

Vào ban quản trị để... trục lợi

Việc bầu chọn BQT chung cư được thực hiện trong hội nghị nhà chung cư, thường được tổ chức một năm sau khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho cư dân. Bên cạnh những cá nhân thật sự có tâm huyết, muốn sử dụng chuyên môn, hiểu biết của mình để hỗ trợ cộng đồng thì cũng có những người nhắm đến việc vào BQT để thu lợi cho bản thân.

Bà Tuyết Lan, cư dân tại một chung cư bình dân ở quận 9, chia sẻ: “Không phải ai cũng hào hứng với việc tranh cử nhưng một khi đã xác định thì họ sẽ làm rất bài bản. Cách dễ dàng nhất là lấy lòng cư dân, đưa ra những lời hứa hẹn thật bùi tai”.

Chứng minh cho điều này, bà Lan cho biết ở chung cư bà sống, chủ đầu tư áp mức phí quản lý 9.900 đồng/m2/tháng. Mức giá này không hề rẻ nhưng chất lượng phục vụ lại kém, chung cư không có nhân viên làm vệ sinh mỗi ngày, hồ bơi nước đục vẫn không được thay, rác thải lưu qua ngày… Trước thực trạng này, một số ứng viên BQT đứng ra kêu gọi cư dân phản đối việc thu phí quá cao, hứa hẹn nếu được vào BQT họ sẽ tìm đơn vị cung cấp giá dịch vụ rẻ, chất lượng cao. Thế nhưng sau khi các cá nhân này trúng cử thì mức phí quản lý không những không được giảm mà BQT còn quyết định cắt luôn điện ở phòng sinh hoạt cộng đồng vì lý do lãng phí điện của tập thể.

Ở những chung cư cao cấp, cuộc đua vào BQT còn diễn ra gay gắt hơn. Trong đó chuyện lôi kéo đồng minh cùng vào BQT, loại trừ người không cùng phe diễn ra rất phổ biến. Ông TH, cư dân tại một chung cư cao cấp ở quận Phú Nhuận, cho biết do bản thân có chuyên môn về xây dựng nên đã tự ứng cử và trúng cử vào BQT. Tuy nhiên, quá trình làm việc ông bị các thành viên còn lại của BQT cô lập. Những chủ trương về thuê mướn đơn vị quản lý tòa nhà, chi phí hoạt động, thậm chí việc đấu tranh với chủ đầu tư để sớm ra sổ hồng cho cư dân, ông H. muốn lấy ý kiến cư dân thì trưởng và phó BQT đều phản đối. Cuối cùng, các hợp đồng này đều rơi vào tay những công ty có “mối quan hệ” với trưởng BQT. Ông H. nản chí nên từ nhiệm và vị trí này nhanh chóng được lấp vào bằng nhân sự do trưởng BQT giới thiệu.

Ông Nguyễn Huy Khánh, cư dân tại một dự án cao cấp trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, nhận định có không ít thành viên BQT, không rành rẽ các lĩnh vực quản lý, xây dựng, ngân hàng, luật sư… nên không thường xuyên cập nhật các quy định mới về quản trị tòa nhà. Điều đó dẫn đến việc soạn thảo quy chế hoạt động của BQT thiếu chặt chẽ, minh bạch.

“Đơn cử như cư dân chúng tôi không hề nhận được thông báo đấu thầu công khai để chọn lựa ngân hàng lãi suất tốt gửi quỹ bảo trì, hay đơn vị vận hành tòa nhà chuyên nghiệp, chi phí cạnh tranh… 

Lựa chọn ban quản trị cũng không dễ dàng

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, BQT được bầu ra với mục đích đại diện cho cư dân thực hiện việc quản lý quỹ bảo trì và vận hành tòa nhà. Do đó, lựa chọn thành viên BQT có tâm huyết, năng lực, trách nhiệm với tập thể sẽ góp phần rất lớn để nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Ngoài ra, quá trình vận hành và sử dụng tòa nhà diễn ra êm xuôi còn làm gia tăng giá trị căn hộ, qua đó giúp người dân bảo vệ tài sản của mình tốt hơn.

Trường hợp chọn lựa sai BQT thì sẽ rất tai hại cho môi trường sống sau này của cư dân. Khi BQT không đủ trình độ, hiểu biết, hoạt động không đúng quy định, tham gia chỉ với mục đích trục lợi, nhẹ thì dẫn đến chất lượng dịch vụ quản lý vận hành chung cư không tốt, nặng thì sẽ xảy ra các vụ tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại tòa nhà.

Đồng quan điểm, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Các thành viên BQT nếu không được lựa chọn kỹ sẽ dẫn đến chỉ sau một thời gian ngắn sẽ có người từ nhiệm, gây khó khăn cho công việc quản lý chung”.

Trong BQT, vị trí trưởng ban đóng vai trò vô cùng quan trọng nên phải được lựa chọn kỹ càng. Đây là người phải thể hiện được sự quyết đoán khi cần thiết, đồng thời phải xây dựng được sức mạnh đoàn kết trong nội bộ BQT với tinh thần giải quyết các sự việc dựa trên quyền lợi chính đáng của đại đa số cư dân.

Số tiền trong quỹ bảo trì vô cùng lớn, là một trong các yếu tố quan trọng giúp bảo vệ tài sản, môi trường sống tốt cho hàng trăm hộ dân tại chung cư. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều cư dân không quan tâm đến việc bầu BQT. Điều này dẫn đến việc chọn lựa các thành viên BQT tại các chung cư thường diễn ra một cách đại khái. Chỉ đến khi nội bộ BQT bất đồng quan điểm, vạch áo cho người xem lưng thì cư dân mới để tâm. Từ đây, hàng loạt bất cập trong việc vận hành chung cư do BQT kém năng lực sẽ nảy sinh.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để tránh phiền toái thì chính mỗi cư dân phải quan tâm hơn, sát sao và có trách nhiệm hơn với lá phiếu bầu chọn của mình. Bởi BQT là thành phần duy nhất mà cư dân có quyền quyết định để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Một trong những điều kiện để được ứng cử vào BQT là phải là cư dân tại chung cư. Có một số cá nhân coi việc làm BQT là một nghề nên sẵn sàng bỏ tiền mua căn hộ nhỏ tại dự án để đủ tư cách ứng cử. Sau khi thành công, cá nhân này có thể cho thuê, thậm chí bán lại căn hộ nhưng vẫn giữ “chân” và quyền chi phối các hoạt động, thu chi của tòa nhà. Cư dân một dự án tại quận Tân Bình từng “tố” trưởng BQT không sinh sống tại chung cư, yêu cầu tổ chức bầu cử lại. Thế nhưng việc tổ chức hội nghị nhà chung cư không hề đơn giản. Do vậy, đến nay vị trí này vẫn đang được giữ nguyên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm