Giao dịch bất động sản ở Lâm Đồng giảm thê thảm

(PLO)- Quý I-2023 giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 2.192 giao dịch, giảm hơn 10 ngàn so với quý I-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành và các địa phương nghiên cứu các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý I-2023 thu ngân sách từ đất, nhà trên địa bàn đã sụt giảm nghiêm trọng.

Theo đó, quý I-2022 giao dịch đất nhà có 12.467 giao dịch thì quý I-2023 còn 2.192 giao dịch.

Bên cạnh đó, cấp giấy phép xây dựng bất động sản cũng sụt giảm 50%. Tổng các giao dịch giảm trên 10.000 trường hợp so với cùng kỳ.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang có những chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: VÕ TÙNG

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang có những chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: VÕ TÙNG

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tăng trưởng của tỉnh 3 tháng đầu năm 2023 ở mức trung bình khá của cả nước là 5,63%. Thu ngân sách quý I so với cùng kỳ 2022 tăng 8,5%. Tuy nhiên, riêng mảng nhà đất sụt giảm mạnh.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục bám sát tinh thần nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, rà soát các dự án nhà ở, các dự án bất động sản để cùng doanh nghiệp xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là các dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án bất động sản có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà ở.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất ưu đãi; Tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; dành vốn cho dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp. Qua đó đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất cho vay.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm; Đẩy mạnh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng, giao đất, cho thuê đất làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ đó thực hiện dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người dân, nhà ở cho người thu nhập thấp, tăng nguồn cung hơn nữa cho thị trường.

Đồng thời chủ động rà soát vướng mắc của dự án ở địa phương, giải quyết các kiến nghị và hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án. Đối với các dự án đang rà soát thủ tục pháp lý phải khẩn trương có kết luận để được tiếp tục triển khai; chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Đặc biệt cần tánh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm