Tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" tổ chức chiều ngày 21-5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Tính đến tháng 3, có hơn 150,6 triệu thẻ đang lưu hành, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Xét riêng về thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành hiện đạt trên 904,7 nghìn thẻ; tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Dũng, dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.
Hiện, nước ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, trong thời gian tới NHNN, các thành viên thị trường cần triển khai một số giải pháp.
Một là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thẻ ngân hàng. Triển khai hiệu quả Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật hoạt động thanh toán.
Tính đến hết quý 1, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57%.
Cụ thể, qua kênh Internet tăng 48,81%; qua kênh điện thoại di động tăng 58,7%.
Hai là, chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Mở rộng hệ sinh thái thanh toán số.
Ba là, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi.
Bốn là, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.
Năm là, NHNN và các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về phương tiện về thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng.