Mất tiền trong thẻ tín dụng vì gửi mã OTP cho người lạ

(PLO)-  Đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP của thẻ tín dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị NA (ngụ Bình Dương) cho biết vừa qua chị bị lừa đảo mất hơn 40 triệu đồng trong thẻ tín dụng (TTD) mới làm.

Đối tượng lừa đảo đã giả mạo nhân viên ngân hàng cung cấp TTD, gọi điện thoại hướng dẫn chị NA kích hoạt TTD. Đối tượng lừa đảo đã yêu cầu chị NA cung cấp một số thông tin cũng như mã OTP của TTD. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã dùng các thông tin này để mua điện thoại iPhone 15.

Mất tiền ngay sau khi cung cấp mã OTP

Chị NA cho biết trước đó có Ngân hàng V đến cơ quan của chị giới thiệu về một loại TTD có nhiều ưu đãi khi mua sắm. Cụ thể, TTD này được liên kết với nhiều nhãn hàng, thương hiệu nên chị NA đã đồng ý mở TTD. Khi thực hiện hồ sơ mở TTD, chị NA chỉ ký trước vào phiếu thông tin, mọi thủ tục còn lại đều được nhân viên ngân hàng hỗ trợ thực hiện.

Trong thời gian chờ TTD được giao đến qua đường bưu điện thì chị NA lại nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 028 4451…, tự xưng là nhân viên ngân hàng mà chị đang mở thẻ, tên là Đức Huy. Người này thông báo hôm nay thẻ sẽ đến, bưu điện có giao chậm thì nhờ chị NA hối thúc bưu điện giao nhanh hơn.

“Sau đó, người này chủ động kết bạn qua Zalo và nói sẽ hỗ trợ tôi kích hoạt thẻ. Do người này nói đúng tên của tôi và tự xưng là nhân viên Ngân hàng V nên tôi không nghi ngờ gì và đã đồng ý kết bạn qua Zalo” - chị NA nói.

Cũng theo chị NA, người này vừa gọi cho chị xong thì đến chiều chị nhận được TTD. Trong phong bì đựng TTD có hướng dẫn kích hoạt thẻ, chị NA làm theo hướng dẫn nhưng không được. Do đó, chị có gọi lại cho người này để nhờ hỗ trợ kích hoạt TTD. Người này đã hướng dẫn chị qua Zalo là phải tải một ứng dụng để kích hoạt TTD và chị đã làm theo.

thẻ tín dụng
Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng phải bảo mật các thông tin liên quan đến thẻ. Ảnh: MH

Sau đó, người này đã đọc tám số đầu trên TTD chị đang có và yêu cầu chị đọc tiếp tám số cuối trên thẻ cũng như hạn mức tín dụng để xác minh.

“Sau khi có các thông tin, người này nói với tôi là đang thực hiện liên kết với nhãn hàng ở các trung tâm mua sắm lớn để sau này tôi nhận được nhiều ưu đãi. Tiếp đó, người này nói phải cung cấp mã OTP đã được gửi về điện thoại của tôi để thực hiện bước cuối cùng. Tôi cũng đã gửi mã OTP cho người này. Vài phút sau, tôi thấy tin nhắn gửi đến điện thoại là TTD của tôi bị trừ gần 45 triệu đồng. Nội dung là mua điện thoại iPhone 15 và thẻ cào…” - chị NA nói.

Do thấy bị trừ tiền cho khoản mua sắm mà mình không thực hiện nên chị NA đã nghi ngờ và gọi điện thoại đến nhân viên Ngân hàng V trước đây hướng dẫn chị mở TTD. Sau khi trao đổi thì nhân viên này cho biết chị đã bị lừa.

Ngay lập tức, chị yêu cầu Ngân hàng V khóa TTD, ngân hàng này cũng thông báo chị phải trả khoản tiền mua sắm trên để chờ tra soát, đến khi có kết quả tra soát mới xử lý tiếp. Thời hạn tra soát là 47 ngày nhưng sau đó ngân hàng cho biết do đối tác không hợp tác nên gia hạn thời gian tra soát đến hai tháng.

Nghi ngờ bị lộ thông tin, liên hệ ngay ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng V đã gửi cho chị NA một văn bản qua email. Trong văn bản, ngân hàng thông báo lấy làm tiếc về kết quả tra soát giao dịch của chị NA không thành công. Ngân hàng thanh toán không đồng ý hoàn trả và cung cấp chứng từ chứng minh được cung cấp cho người thực hiện giao dịch…

Trường hợp chị NA nghi ngờ có đối tượng sử dụng thông tin của thẻ tín dụng để gian lận giao dịch, chị có thể chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để điều tra về vụ việc này.

Ngân hàng khuyến cáo trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng vui lòng bảo mật các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng như số thẻ, số CVV. Trường hợp nghi ngờ bị lộ thông tin, khách hàng vui lòng liên hệ ngay với ngân hàng để cấp lại thẻ tín dụng mới và khóa thẻ tín dụng cũ…

Chia sẻ với PV về việc tại sao đối tượng lừa đảo lại biết tám số đầu trên TTD của chị NA, một lãnh đạo ngân hàng cho biết tám số đầu trên thẻ tín dụng là một dãy chữ số được tổ chức phát hành thẻ cấp cho ngân hàng phát hành thẻ.

Dãy số này để nhận diện ngân hàng phát hành sản phẩm. Do vậy, khi phát hành thẻ, tùy theo sản phẩm của ngân hàng cấp phát thì mặc định tám số đầu hoặc sáu số đầu là giống nhau, chỉ các số còn lại là thay đổi.•

Sử dụng thẻ tín dụng sao cho an toàn?

Theo một chuyên gia ngân hàng, khi phát hành và sử dụng TTD, khách hàng cần phải tham khảo và tìm hiểu thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Việc này giúp bảo vệ được thông tin cá nhân, thông tin TTD trước và trong quá trình sử dụng thẻ.

Để sử dụng TTD an toàn, người dùng tuyệt đối không nên nghe và làm theo hướng dẫn của các đối tượng mạo danh, tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Không truy cập và cài đặt ứng dụng thông qua đường link do các đối tượng này cung cấp; không cung cấp hình ảnh cá nhân, thông tin CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng… dưới bất kỳ hình thức nào. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm