Mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Xuân Thơm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng, xác nhận doanh nghiệp (DN) này vẫn đang quản lý, khai thác dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang.
Đây là dự án bị người dân, cán bộ phản ứng vì bị đặt sai tên, giao cho một DN tư nhân quản lý, khai thác và tỉnh đang thực hiện các bước để lấy lại dự án này vì bị chủ đầu tư mang đi liên kết, liên doanh sai quy định.
Biến dự án giáo dục truyền thống thành khu du lịch
Trước đây, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đề xuất với Tỉnh ủy xây dựng, tái hiện căn cứ Đồng Bò thành một “bảo tàng sống” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Sau khi Tỉnh ủy chấp thuận, tháng 5-2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt, giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sử dụng 25 ha đất và làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 11 tỉ đồng từ ngân sách. Đây là dự án đặc biệt nên được tối giản thủ tục.
Cuối năm 2018, dự án đi vào hoạt động nhưng có tên là “Mật khu Đá Hang”. Tại khu vực dự án, không hề có “bảo tàng sống” với hiện vật, sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử như dự án đề ra mà thay vào đó là một khu du lịch sinh thái với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống…
Điều lạ nữa là dự án được giao cho Công ty TNHH Hải Đăng quản lý, khai thác. DN này cũng là chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Hải Đăng (còn gọi là Galina Lake View) nằm ngay bên cạnh. Dù là hai dự án nhưng chỉ có một cổng vào, được bán vé đồng hạng 50.000 đồng/lượt. Trong khi đó, mục đích của việc đầu tư dự án tái hiện khu căn cứ Đồng Bò là để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phục vụ miễn phí đối với khách tham quan.
Dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò bị đổi thành khu du lịch với tên gọi “Mật khu Đá Hang”. Ảnh: XĐ
Liên kết rồi tự đổi tên khu di tích
Giải thích về việc trên, ông Lê Xuân Thơm cho hay: Công ty quản lý, khai thác dự án là căn cứ vào hợp đồng liên kết với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ký vào tháng 4-2015.
Theo hợp đồng này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (bên A) dùng quyền quản lý, khai thác khu đất, tài sản đầu tư trên đất tại khu di tích để liên kết hợp tác với Công ty TNHH Hải Đăng (bên B). Tổng kinh phí bên A đã đầu tư vào dự án là gần 23 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhiều hạng mục. Bên A giao cho bên B làm trưởng ban điều hành dự án, duy tu, bảo dưỡng công trình, duy trì hoạt động khu di tích, trực tiếp tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh du lịch… Bên B được phép hợp tác với các đối tác khi được sự đồng ý của bên A. Đổi lại, bên A được nhận một khoản phí. Thời hạn hợp đồng là 25 năm kể từ ngày bên B nhận bàn giao khu đất của bên A.
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, trước khi ký hợp đồng liên kết một năm, vào tháng 3-2014, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lập “biên bản tạm bàn giao mặt bằng khu đất và tài sản trên đất” của dự án cho Công ty Hải Đăng và chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương, cho phép liên kết đầu tư xã hội hóa, mở rộng, khai thác khu di tích căn cứ Đồng Bò. Một tháng sau, hai đơn vị đã lập biên bản thỏa thuận liên kết khai thác khu di tích.
Theo ông Lê Xuân Thơm, Công ty Hải Đăng đã thực hiện song song hai dự án là tái hiện căn cứ Đồng Bò và khu du lịch sinh thái Hải Đăng (Galina Lake View). Cả hai dự án chỉ có một cổng vào và được đặt tên là “Mật khu Đá Hang” để quảng bá cho dự án.
Tên gọi mới này bị nhiều lão thành cách mạng, cán bộ tỉnh Khánh Hòa phản ứng dữ dội vì không đúng với lịch sử và ý nghĩa chính trị của chiến khu Đồng Bò. Về việc này, ông Thơm thừa nhận tên “Mật khu Đá Hang” là do ông tự đặt. “Do không tìm hiểu thông tin nên tôi đã đặt sai tên của khu căn cứ Đồng Bò. Tôi đã tháo gỡ tên “Mật khu Đá Hang”” - ông Thơm nói.
Ghi nhận của PV, tấm biển lớn có dòng chữ “Mật khu Đá Hang” đúc bằng xi măng cốt thép dựng trước cổng vào hai dự án đã bị đập vỡ. Thay vào đó, cổng vào hai dự án được gắn tên là Galina Lake View.
Theo phản ánh của nhiều người, từ khi dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò đi vào hoạt động, tất cả du khách khi vào cổng đều phải mua vé 50.000 đồng/người. Sau khi bị phản ứng, mới đây khu di lịch Galina Lake View dựng tấm bảng thông báo không thu phí vào cổng đối với khách đến thăm khu di tích lịch sử Đồng Bò. Tuy nhiên, khách phải đăng ký tại lễ tân khu du lịch Galina Lake View.
Liên kết trái quy định
Sau khi phát sinh nhiều phản ứng, Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án. Trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thừa nhận là theo quy định, quân đội không được dùng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết.
Theo đề nghị của Sở KH&ĐT, cuối tháng 8-2018, UBND tỉnh có công văn giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thủ tục, trình UBND tỉnh giao tài sản dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa (thuộc Sở VH&TT) quản lý, sử dụng theo quy định. Sau khi Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận, quản lý toàn bộ tài sản dự án sẽ lập phương án liên doanh, liên kết với các DN có đủ nguồn lực, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Tiếp đó, tháng 10-2018, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp trên để đề nghị Bộ Tài chính ra quyết định điều chuyển tài sản thuộc dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò theo quy định.
Thông tin với báo chí, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cho hay cơ quan này đã có công văn đề nghị cấp trên điều chuyển tài sản dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa…
Thu hồi dự án cạnh di tích Đồng Bò Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Khánh Hòa, ngày 20-2, cơ quan này đã ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Hải Đăng. Lý do chấm dứt hoạt động là nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư. Quyết định yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án theo quy định. Đây là dự án do Công ty TNHH Hải Đăng làm chủ đầu tư, nằm ngay cạnh và có cùng cổng vào với dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò |